Rồi sẽ quen

Rồi sẽ quen

Giữa thế kỷ 19, nước Nhật vẫn là một nước Á Châu nghèo đói, loạn lạc, thua kém nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á. Nhưng sau khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi, chỉ trong 30 năm, ông đã canh tân nước Nhật theo hướng quyết liệt, táo bạo, lạ lùng. Chỉ còn 1 tháng nữa là Tết âm lịch, tết nguyên đán, ông ra quyết định bãi bỏ, nói từ bây giờ, người Nhật sẽ ăn Tết theo lịch dương. Ông cho dời kinh đô từ Kyoto lên Tokyo, vì ở đó có 1 cảng biển lớn, có để giao thương dễ dàng với nước ngoài (thời đó đi lại chỉ có đường biển vì Nhật là quốc đảo). Về giáo dục, ông bỏ lối thi kiểu Nho học, thơ phú văn chương vốn là nguồn đào tạo trí thức phong kiến chỉ còn là 1 một môn học, bổ sung thêm các môn tự nhiên toán lý hoá sinh sử địa thiên văn….như người phương Tây. Võ thuật Nhật Bản chỉ còn là 1 phần của chương trình thể dục thể thao nâng cao thể trạng của người Nhật, mà phải chơi hết, thế giới chơi thể thao gì chúng ta chơi cái đó. Khuyến khích người dân ăn thịt ăn hải sản để có sức làm việc (trước đó đại đa số người Nhật ăn chay, thực ra là do không có đồ ăn gì nên bữa cơm người Nhật chỉ có cơm trắng và rau dưa muối, hậu quả là tầm vóc người thấp bé nhỏ con). Hàng tuần, tại cảng Tokyo, những thanh niên ưu tú người Nhật được tuyên thệ “ra đi để trở về phụng sự”, và toả đi khắp những cường quốc lúc đó là Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ, Ý,….để học những cái hay cái đẹp, xong báo cáo gửi về để xem xét, thấy cái gì của Phương Tây khiến họ vượt trội thì chúng ta phải bỏ ngay lập tức, theo phương Tây để vượt xa họ. Về kinh tế, người dân được tự do buôn bán với nước ngoài, người nước ngoài đến làm ăn được hỗ trợ tối đa để “người dân trong nước bắt chước cách làm của người giàu”. Những doanh nghiệp Nhật Bản nho nhỏ được khuyến khích “hãy bắt chước người Phương Tây mà tích luỹ vốn, cổ phần làm thành những tập đoàn to”. Từ bỏ văn hoá gia tộc, cha truyền con nối, làm gì cũng bí mật gia truyền, khiến nền kinh tế bé nhỏ mãi. Khuyến khích sự tự do cá nhân và không ràng buộc nhau kiểu văn hoá phong kiến Trung Hoa cũ (người này hy sinh cho người kia rồi yêu cầu biết ơn, hiếu thảo, một hình thức trả công lại….). Tang lễ làm rình rang tốn kém, 3 năm xả tang thì người chịu tang mới được kết hôn là lãng phí đời người. Kết hôn cũng không còn mấy ngày mấy đêm vui chơi mà chỉ còn là 1 lễ tiệc nhỏ, gọn, nhanh chóng.

Những cô gái Nhật có chồng là người Tây Phương được khuyến khích sinh con và ở lại Nhật để giúp người Nhật cao lớn hơn (cái này chỉ là truyền miệng, chưa được xác nhận). Người Nhật phải là nước công nghiệp, chỉ có công nghiệp từ bắc chí nam mới có thể giàu có được, “chưa có nước nào chỉ dựa vào trồng trọt mà có thể hùng mạnh”. Lập đội thương thuyền đi buôn bán khắp thế giới và hải quân mạnh, nước Nhật có nền kinh tế biển phải lớn nhất thế giới. Nhà máy phải nhiều, nhân lực không đủ thì nhập khẩu người nước ngoài đến làm việc, hoặc đem nhà máy đến nước ngoài. Người Nhật phải là dân tộc cường thịnh, cho việc. Khi đến cho việc, trả lương cho người khác thì nói gì người ta cũng phải nghe theo, mới bảo vệ được lãnh thổ và sự vĩnh viễn của dân tộc.

Chỉ trong 30 năm quyết liệt, 1 dân tộc chỉ hàng ngày ăn cơm với cà muối dưa chua rong biển, suốt ngày chỉ nghĩ đến cái ăn, cảm xúc cảm tính và tò mò hiếu kỳ của 1 XH với người nghèo chiếm đa số, đã chuyển mình thành 1 cường quốc, và không bị trở thành thuộc địa của phương Tây như các nước châu Á khác. Họ có “thoát Á luận”, những lý luận về thoát khỏi những lạc hậu châu Á, và vươn lên thành quốc gia tiên tiến nhanh chóng mà vẫn giữ gìn được bản sắc độc đáo của mình. Gói gọn sự thần kỳ Nhật Bản là “học và làm theo cái tiến bộ của nước ngoài”.

Mô hình “tống cựu nghinh tân”, “duy tân” (duy là chỉ theo, tân là mới) này được các trí thức châu Á khác hết sức ngưỡng mộ. Và có những nước đã làm theo, ví dụ Hàn Quốc, nơi có lượng người có tư tưởng cấp tiến nhiều hơn lượng người “thủ cựu bài tân” trong xã hội. Một đặc trưng lớn là người giàu thường phóng khoáng, cởi mở còn người nghèo khó thì khá bảo thủ đóng hộp tư duy, ở đâu cũng thấy vậy.

TnBS

Quyền trượng trường Đại Học

Chính các nước châu Á (đặc biệt là Đông Á) đã chọn bỏ truyền thống và theo phương Tây trong nhiều thứ, chẳng hạn như quần áo. Quần jean, áo thun (phông), quần tây, áo sơ-mi, áo vest, cắt tóc ngắn (nên cái đồ cắt tóc gọi là tông-đơ (tondeuse), đi xe đạp xe máy rồi ô tô, đeo đồng hồ, sử dụng ĐT….đều là những phát minh của phương Tây, họ áp dụng trước rồi chúng ta áp dụng sau. Giáo dục khoa cả thế giới bây giờ cũng theo phương Tây, từ bậc phổ thông tới bậc cao hơn (mới có các môn toán, khoa học, kinh tế, tâm lý, âm nhạc, hội hoạ….chứ nếu theo giáo dục truyền thống thì chỉ có môn viết văn viết thơ viết phú viết câu đối này nọ để thi hương thi hội thi đình thôi). Cái áo thụng và cái mũ cử nhân cách đây 40 năm mới lần đầu tiên áp dụng (trước đó có nhận bằng ĐH thì chỉ mặc áo sơ mi trắng lên sân khấu nhận bằng rồi xuống đi liên hoan ăn chè đậu) cũng từng bị các cụ lên án dữ dội, nhưng rồi cũng “nói không lại với bọn trẻ”. Rồi cũng quen, giờ tốt nghiệp mẫu giáo cũng mặc áo thụng mũ cử nhân.

Gần đây nhiều bạn hỏi cái quyền trượng và bộ đồ nhiều màu sắc, những phụ kiện trên người của hiệu trưởng trường ĐH Kinh Tế (ĐH Quốc Gia Hà Nội) cầm trong lễ tốt nghiệp có phản cảm, lai căng và diêm dúa (vì các bạn chưa từng thấy ở đâu hoặc chỉ thấy Đường Tăng cầm trong phim Tây Du Ký) là do mình chưa đi đây đi đó, chưa biết đấy thôi. Cái gậy (tiếng Hán gọi là trượng 杖) này gọi là MACE (có nơi gọi là SCEPTER) là “báu vật” phổ biến ở các ĐH lớn trên thế giới, những ĐH có lịch sử mấy trăm năm, có trường còn sử dụng cây kiếm cổ, và họ làm những phiên bản mini cho sinh viên có nhu cầu mua về làm kỷ niệm. Cây mace thường được cất trong phòng kín, chỉ có lễ trang trọng thì người đứng đầu mới lấy ra và rước lên sân khấu. Họ mặc đồ nhiều màu sắc, những phụ kiện mũ nón cũng rất khác nhau, thiết kế vui tươi hay sang trọng tuỳ trường, miễn để lại dấu ấn không quên trong lòng học sinh sinh viên. Những tục lệ đội mũ cử nhân, hất cái sợi qua hay tung mũ lên trời…..đều là văn hoá phương Tây mà sau này các nước châu Á đều áp dụng. Trước đây mình không thấy là do ít người tốt nghiệp được các ĐH lớn danh giá thế giới nên không biết, gần đây mới có nhiều. Nguyên tắc trong học thuật và tiến bộ xã hội là cái gì không sai pháp luật và không hại người thì có quyền làm, còn đẹp – xấu, hay – dở là góc nhìn hoàn toàn cá nhân. Thiện cảm hay phản cảm cũng tuỳ thuộc cái “cảm” của người đó.

Cái mới luôn bị 1 nhóm trong đám đông (chưa thấy, chưa biết, chưa nghe) phản đối. Như việc uống cà phê cũng từng bị xem là thói hoang tiểu tư sản cần lên án (vì quen uống trà và nước vối truyền thống), hay chữ Tây quốc ngữ abc chúng ta đang đọc cũng từng bị các cụ cho là lai căng mất gốc, có cụ còn đòi chết để bảo vệ chữ Nôm (một loại chữ tượng hình còn khó hơn chữ Hán), mấy cụ ấy mà thành công thì giờ chúng ta vật lộn lăn ra nằm giữa nhà mà vẽ chữ, tỷ lệ biết chữ trong dân số chắc chỉ vài phần trăm quá. Tới việc đánh răng cũng cho là sai (vì quen thấy răng đen do nhuộm trầu và lấy miếng cau chà), chuyện mặc quần jean (quần bò) cũng tốn không bao nhiêu giấy mực tranh cãi vào thập niên 60. Thậm chí nhiều cụ đã tự tử để phản đối chuyện mặc bikini ở bãi biển vì nó lố lăng phản cảm mất thuần phong mỹ tục, nhưng kết quả là bikini tràn ngập bãi biển và bể bơi, ai chết thì cứ chết, em mặc đẹp và gọn thì em mặc thôi. Đám cưới nam mặc vest, nữ mặc váy cưới trắng đội khăn voan cầm ly vang đi cụng rất phổ biến hiện nay, nhưng 100 trước thì sẽ bị ném đá. Sinh nhật cắt bánh kem thổi nến hát bài tiếng Anh happy birthday cũng thế, là văn hoá phương Tây mà chúng ta đã tiếp nhận.

Cái mới thì lạ mắt, thấy lạ thì tò mò. Xã hội có 2 nhóm người chính là nhóm cởi mở và nhóm bảo thủ, xã hội nào cũng thế. Người cởi mở hễ thấy mới lạ là hợp nhãn, khen ngợi và áp dụng; người bảo thủ cứ thấy khác là không vừa ý, sẽ chê bai và lên án; âu cũng là chuyện bình thường.

Rồi sẽ quen.

Ăn trưa cùng Tony

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *