You only live once – Bạn chỉ có 1 cuộc đời để sống
1. Người ta nói xa, vì đầu óc người ta có sự giới hạn về địa lý. Có người qua làng bên đã xa, có người sang tỉnh khác mới xa, có người đi nước khác mới xa, có người lên cung trăng mới xa.
Người ta nói về giá cả, vì đầu óc người ta có sự giới hạn về được/mất. Sợ mất thì mới có khái niệm đắt. Còn tham thì mới có khái niệm rẻ. Khi còn quan tâm đến giá cả thay vì giá trị, thì người ta khó mà có đầu óc lớn, giấc mơ lớn.
Có thể bạn sẽ không thể hiểu, chưa hiểu hoặc không chịu hiểu những dòng văn trên, nhưng đó là những kiến thức mà người ta chỉ dạy cho tầng lớp tinh hoa, có triết học sâu sắc vì người thường chắc chắn sẽ phản đối.
Người đàn ông ở Việt Nam thường được dạy, ba cái trên đời phải làm là “tậu trâu, cất nhà, cưới vợ”. Văn hóa lúa nước mấy nghìn năm, ngồi trong làng nghĩ mãi rồi đúc kết, xong dạy cho con cháu thế hệ sau theo cái áp đặt là “các cụ nói cấm có sai” (thực tế là đại đa số hướng con người vào nếp nghĩ rất nhỏ, chút lợi danh cỏn con). Mỗi người trẻ lớn lên, bị ảnh hưởng lớn nhất là từ ông bà cha mẹ họ. Sống trong một phạm vi địa lý chật hẹp, đất chật thì người khôn, người ta sẽ nghĩ mẹo để lấy tiền của nhau và cho đó là “có trí”.
“Trí khôn của ta đây” là tìm cách lừa con hổ. Truyện Trạng Quỳnh toàn mấy cái khôn vặt và hành xử tiểu xảo ma lanh mà ngàn năm cứ vỗ đùi đen đét khen hay. Tấm Cám thì nhân vật Tấm ác hơn cả quỷ nhưng vẫn cứ khen cô Tấm thảo hiền, người ta tưởng thế thì hay, noi theo, lấy ác hơn để trả thù cái oán hận thì chẳng văn minh tí nào.
Ông bà xưa đó, đầy rẫy những cái không chuẩn mà chúng ta cần phải bỏ. Đâu phải nghe theo họ là tốt. Họ có thành tựu thì tư duy đúng, nghe theo. Họ chẳng có gì thì phải xem lại, dù là cha là mẹ, nhưng đời họ vụn quá thì do tư duy họ vụn quá, mình chẳng muốn vụn thế thì phải làm khác đi. Cha mẹ ông bà là để yêu thương, chứ không phải để vâng lời. Đu theo hỏi han khóc lóc giận hờn chửi bới… chỉ là truyền nhau năng lượng âm, làm âm u cả đời nhau.
Con trâu ngày xưa, ngày nay là công cụ kiếm ăn ví như chiếc xe, đã là việc ưu tiên hàng đầu phải sắm. Rồi tới cái nhà để ở, tốn rất nhiều thời gian cuộc đời để mua nhà/cất nhà. Rồi tới hôn nhân, lập gia đình vì “trai đến tuổi thì phải lấy vợ, gái đến tuổi thì phải lấy chồng” dù chưa trải nghiệm thanh xuân độc thân để tự do bay nhảy và làm 1 số việc để có sai sót khi còn năng lượng tuổi trẻ. Hôn nhân là cái kết rất đẹp của tình yêu, nhưng phải đến từ nhu cầu cá nhân chứ không phải từ áp lực xã hội.
2. Khi có gia đình, người ta phải cân nhắc nhiều hơn, ít dám liều hơn, đi đâu làm gì cũng phải có ý kiến của chồng/vợ. May mắn gặp người bạn đời hào sảng phóng khoáng và tiếp năng lượng dương cho mình thực hiện giấc mơ, nhiều người cưới nhầm năng lượng âm nên khóc lóc giận hờn cãi vã cả ngày.
Yêu nhau mà kéo đời nhau xuống, không cho mạo hiểm làm lớn vì sợ mất, không cho mạo hiểm đi xa cũng vì sợ mất, không cho làm khác vì sợ không ổn định thì khổ 1 đời. Đàn ông mà quan điểm, “gia đình là số 1” thì khi có cơ hội là đem tài sản về cho vợ cho con vì “ưu tiên gia đình”, “lệnh ông không bằng cồng bà“.
Cái đúng của 1 đàn ông khi đứng trên mặt đất phải là tạo ra giá trị, càng tạo ra giá trị thì người đàn ông đó càng vĩ đại. Gia đình chỉ là 1 phần nhỏ của người đàn ông thôi, vì còn nghĩa với quốc gia, còn nghĩa thầy trò, nghĩa bạn bè, nghĩa vụ với người dưng, với tha nhân trong xã hội. Gia đình là 1 mảnh ghép không thể thiếu chứ không phải là tất cả.

Văn hóa gia tộc quá đà, cái gì cũng ưu tiên cho con cái, cho người trong họ hàng cũng là nguồn gốc của nhiều cái xấu. Tham lam vơ vét cũng từ văn hóa này mà ra, ngàn năm nay ở châu Á, người dân luôn miệng chê quan tham nhũng, nhưng nếu cho họ có quyền lực, thì có khi còn tham hơn. Một mét vuông đất còn lấn, hoa công viên còn lén bứng đem về nhà, xe hàng bị tai nạn còn thi nhau hôi của, thi cử còn gian lận quay bài hay copy người khác hòng được cái lợi cho cá nhân là qua kỳ thi, thì trách móc chi ai. Mình có tử tế hơn ai đâu mà phán xét người khác. Cứ nhìn bản thân mình mà xem.
Rất nhiều đàn ông chưa đủ độc lập để tự mình nghĩ khác, làm khác. Có trâu có vợ có nhà xong rồi làm gì nữa? Không làm gì cho đến khi già thì chết, thành những nấm mộ trong nghĩa trang, có tiền thì vô hoa viên gì đó, mồ to mả đẹp, nhưng để làm gì? Tới dăm ba thế hệ thì người ta bốc dỡ nghĩa trang để lấy đất sản xuất, hiếm mới thấy được ngôi mộ 4000 năm, 3000 năm, 2000 năm, 1000 năm, 500 năm, 200 năm, thậm chí 100 năm cũng khó kiếm. Những nghĩa trang ngày nay, 50 năm sau hoặc cao lắm 100 năm sau, các bạn sẽ thấy nó là những khu đô thị.
Trong khi các dân tộc thuộc nhóm chinh phục, khai phá…. thì việc lớn nhất của đàn ông lại khác, nên họ mới khuyến khích đi tìm những vùng đất mới, họ mới có châu Mỹ, châu Úc, châu đại dương, chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa, sản xuất phi thuyền và máy bay. Chết giữa biển khơi hay giữa đại ngàn vùi thây trong sa mạc, cũng chẳng khác gì chết yên ấm trong phường, vì cuối cùng người ta cũng đã chết.
Đám tang linh đình cũng chẳng có ý nghĩa gì, loài người 1-2 ngày tiếc thương sụt sùi thì lại quay vào cơm áo gạo tiền của họ, vào vòng danh lợi của họ. Chỉ có người có thành tựu thì được ghi vào sách sử, người có tấm lòng thì được nhắc trên môi của người từng được giúp đỡ. 100 năm hay 1000 năm, đời người cũng chỉ vậy thôi.
3. Thế giới của các nước giàu có văn minh đều bắt nguồn từ văn hóa chinh phục, du mục và đi nhiều (ngay cả nước Đông Á là Nhật cũng thuộc hệ “đi nhiều”, dám đi, chinh phục với đội thương thuyền của họ từ thế kỷ 14-15 đã đến Hội An Vân Đồn trong khi chúng ta không hề có đội thương thuyền nào đi buôn bán xuyên châu lục). Trong khi chúng ta thì ngồi lẩy Kiểu, í a hát múa “bèo dạt mây trôi”, hát mỏi miệng thì đập chó chết lấy thịt ăn rồi uống dịu, uống xong hát tiếp. Có nhiêu đó cứ tới lui hoài. Đó là ngày xưa, còn bây giờ, cứ tăng nhậu nào xong cũng đi karaoke và lại nhậu. Bản chất không khác.
Thời đại đô thị hóa, ai lên thành phố lớn được thì tìm cách bám trụ, mừng rỡ khi tìm được 1 việc làm dăm bảy triệu. Sáng là thay đồ đến ngồi, ngáp vắn ngáp dài tới giờ ăn trưa, rồi vô ngáp tiếp tới chiều, lấn nhau từng mét đường, mỗi người 2 tay giơ ra cầm 2 cái tay của xe máy để về nhà. Cứ cuối tuần, rủ nhau vào quán ngồi quẹt điện thoại, uống trà sáng vỉa hè bàn chuyện Donald Trump, Phạm Nhật Vượng, Ngọc Trinh, tỷ phú, quánh ghen, đặt cọc miếng đất hay căn hộ nào, rồi giá lên thì ăn chênh lệch. Ly cà phê 10 ngàn thì quánh nhau giành thanh toán vì sĩ diện nhưng vay mượn cỡ 100 triệu trở lên thì quỳ xuống lạy đòi mấy năm chưa chắc chịu trả.
Xem bài:
- Chuyện tiền bạc – P1 – Ứng xử với tiền
- Chuyện tiền bạc – P2- Bản lĩnh điều khiển đồng tiền
- Chuyện tiền bạc – P3 – Rõ ràng minh bạch
Cứ quanh quẩn 1 nơi nào đó cả chục năm, dù là nơi đô thành phồn hoa nhất, thì cũng là đời nhỏ. Nghĩ đến “câu thơ yên ngựa, chiếc thuyền ngoài xa” như các dân tộc khai phá đi thôi.
Bạn chỉ có 1 cuộc đời để sống (you only live once).
Tony Buổi Sáng
Xem thêm : Một Đời Đáng Giá Đừng Sống Qua Loa
HỌC ĐỂ TẠO GIÁ TRỊ
Tôi vẫn hay nói chung chung rằng: Ở Việt Nam, 70% đàn ông coi như vứt đi, chỉ 30% còn lại có thể tạm dùng để làm chồng, làm bố; trong khi đó, 90% phụ nữ có thể làm vợ, làm mẹ, chỉ 10% còn lại có một số lý do mà không thể làm vợ, làm mẹ. Do vậy, việc phụ nữ khó lấy chồng hoặc single mum là bình thường, vì lấy đâu ra đủ đàn ông tốt để làm chồng, làm bố cho tử tế?
Tại sao vậy? Với văn hóa và giáo dục hiện nay ở Việt Nam, người con gái lúc sinh ra đều có mục tiêu sống, ít nhất họ có một mục tiêu là: sau này sẽ làm một người vợ tốt, người mẹ tốt. Họ suy tư về mục tiêu đó, học cách thực hiện mục tiêu đó, thế là đủ.
Còn con trai đa số đều không được dạy trong gia đình/nhà trường cách thiết lập ước mơ/mục tiêu của cuộc đời. Các cậu bé chỉ được dạy là: cố học cho giỏi, ra trường kiếm việc làm để kiếm sống.
Những cậu bé nhà nghèo thì mong thoát nghèo nên cũng cố học để hy vọng sau này có cuộc sống tốt hơn bố mẹ mình. Nhưng sau khi ra trường có việc làm, kiếm được chút thu nhập hơn bố mẹ mình, thì những chàng trai này chẳng biết làm gì (không phải tất cả) tiếp theo, chỉ biết hàng ngày đi làm nhận đồng lương không nhiều, khó có thể cưới vợ, sinh con và cho gia đình mình một cuộc sống ấm no.
Những đứa trẻ nhà nghèo khác học hành không giỏi giang thì chán nản, vô vọng, bị bạn bè lôi kéo dẫn đến có thể sa đà vào các tệ nạn xã hội, trộm cướp, buôn bán ma túy…
Những cậu bé nhà giàu thì được bảo bọc trong nhung lụa, thấy được với tài sản thừa kế từ bố mẹ tha hồ sống nốt phần đời còn lại nên cũng bị mất ý chí phấn đấu, nhàn cư vi bất thiện, hoặc là sống vô hồn, hoặc là sống hưởng thụ vô lối, sa đà vào các tệ nạn xã hội như đi bar, nhậu nhẹt, gái gú, thuốc lắc…
Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người có con đang học ở Mỹ. Họ nói với tôi rằng, các con được các trường học, các giáo viên Mỹ dạy rằng: Học sinh học để: 1- Tạo giá trị, 2- Thay đổi thế giới. Học sinh Mỹ phải là người dẫn dắt thế giới (global leader).
Tạm thời bỏ qua mục tiêu thay đổi thế giới, dẫn dắt thế giới to tát của người Mỹ thì mục tiêu TẠO GIÁ TRỊ – Value Creation đang ngày càng phổ biến trong giáo dục của đa số các nước trên thế giới. Các gia đình/trường học ở nhiều nước đều dạy con em mình là: Con muốn làm gì thì làm, học gì thì học, cuối cùng con phải đạt được mục tiêu: Tạo ra giá trị gì đó cho cộng đồng, nghĩa là con phải góp phần vào việc tạo ra sản phẩm/dịch vụ gì đó mà cộng đồng cần, đáp ứng nhu cầu của họ.
Đứa trẻ sẽ được hướng dẫn hoặc tự mình suy nghĩ để lựa chọn con đường TẠO GIÁ TRỊ phù hợp nhất với nó, phù hợp với đam mê, với tố chất, với những đặc điểm bẩm sinh.
Gia đình/Nhà trường tạo điều kiện cho đứa trẻ được trải nghiệm, thử nghiệm nhiều môn học, nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường khác nhau để đứa trẻ tự mình lựa chọn lĩnh vực nào, môi trường nào phù hợp nhất với bản thân và quan trọng là kích thích được sự hứng thú, niềm đam mê bên trong đứa trẻ.
Sau khi đã lựa chọn, đứa trẻ sẽ dần dần học tập, rèn luyện, trải nghiệm để nâng cao năng lực bản thân nhằm đáp ứng mục tiêu đã đề ra.
Vì mục tiêu là TẠO GIÁ TRỊ, thứ cộng đồng cần cho nên ngay khi cộng đồng sử dụng GIÁ TRỊ đã tạo ra, cộng đồng lập tức trả tiền về cho người tạo giá trị. Giá trị càng được sử dụng nhiều thì tiền chảy về càng nhiều.
Như vậy TẠO GIÁ TRỊ là mục tiêu nhưng SỐ TIỀN CHẢY VỀ là thước đo cho giá trị bạn đã tạo và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng.
TẠO GIÁ TRỊ là Nhân, còn SỐ TIỀN CHẢY VỀ là Quả. Người có hiểu biết sẽ tập trung vào việc tạo Nhân, còn Quả có được sẽ do Nhân đã tạo sinh ra. Bạn tạo giá trị càng nhiều, càng nhiều người sử dụng thì bạn càng trở nên giàu có và không sức mạnh nào ngăn cản nổi sự giàu có của bạn trừ khi bạn cho đi tài sản của mình.
Điều này giải thích tại sao những người cứ chạy theo việc kiếm tiền thì chả kiếm được bao nhiêu, trong khi nhiều người giàu, siêu giàu lại càng giàu hơn. Bởi vì những người giàu, siêu giàu đó quan tâm và tập trung vào việc TẠO GIÁ TRỊ, họ liên tục tư duy và tìm cách sao cho giá trị tạo được ngày càng nhiều, càng nhiều người sử dụng giá trị của họ./.
Nguồn: theo báo Nghệ An