Về hay ở?

Dượng Tony nhận được lá thư như sau:

“Mình học xong Đại học ở Việt Nam, xong qua Úc học thạc sĩ. Một Đại học tỉnh tài trợ mình đi học, để về làm giảng viên.

Nhưng sau 30 tháng học xong, mình lại thấy thích bên này, nên tìm cách ở lại, lật kèo với trường, đành phải vậy thôi chứ biết sao, không lẽ giờ về cái tỉnh heo hút đó đi dạy, ớn chết, lương thấp sao sống được. Có về thì cũng về Sài Gòn vô quận nhất mà làm thôi, đời mạnh ai nấy tranh chỗ tốt mà sống, bố mẹ mình dạy chị em mình như thế.

Trường Đại học đó thấy mình học xong mà không chịu về, kêu bố mình lên, đòi kiện tụng miết. Bố mình phải nói dối là mình muốn học lên Tiến sĩ. Hí hí, có đâu, học mệt óc, thạc sĩ còn đuối nữa là. Trường bên VN còn gửi thông báo cho trường bên này không cấp bằng cho mình, tệ thật. Kệ, mình bỏ luôn. Đời mình sướng là được, qua đây rồi.

Mấy trường ở VN tư tưởng cổ hủ buồn cười, cần giảng viên thì cứ trả lương cao rồi tuyển, các bạn TỰ đi học thạc sĩ tiến sĩ khắp nơi trên thế giới, Harvard, Oxford gì có hết, cứ trả lương 5000-10,000 đô/tháng là mời về thôi. Bạn nào tự đi học thạc sĩ tiến sĩ là giỏi lắm. Cần gì phải gửi đám lèo tèo như bọn mình đi đào tạo chi vậy, gửi đi xong, trốn ở lại hết thì kiện tụng mệt người ra. Thay vì 100,000 đô cho mình đi học, lấy trả lương cho một ông tiến sĩ xịn nào đó bên Tây về, có phải khoẻ hơn không, tha hồ ông ấy đào tạo cho một lớp kế cận.

Nếu có gửi thì gửi đi Ấn Độ, Singapore, Philippines,…Mấy nước nghèo đó không ai thèm ở lại.

Như mình, trình độ lèo tèo, cử nhân loại trung bình khá, tự xin học bổng mãi có được đâu. May mà bố mình quen chú hiệu trưởng trường ĐH ở tỉnh mình, xong mình được chọn. Mình mất 1.5 năm mới có được cái IELTS 6.5 để đi qua đây học thạc sĩ theo đề án gửi người đi đào tạo của trường. Qua bên này, mình ngồi học chứ chả hiểu gì, nhưng cũng chăm chỉ làm bài tập đủ để tốt nghiệp.

Mình ở lại nước Úc, xin việc đủ công ty, phỏng vấn failed hết. Mình định làm hôn nhân giả mà nó lấy mắc quá, tới 70,000 đô 1 suất, bố mình không đủ tiền. Mình trầy trật mãi cuối cùng cũng có work visa, công ty kia của ngưởi Việt tài trợ, nhưng không có đi làm thật ở đó. Mình làm thợ đụng, bán vải ở chợ, làm nail….đủ nghề để sống. Bạn mình chỉ có Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ là bàn chuyện ở lai, Ấn Độ là nhiều nhất. Còn sinh viên mấy nước khác, kể cả nước nghèo như Thái, Malaysia, Lào, Myanmar, Indonesia…đều xem du học là đến nước ngoài để học, rồi học xong là họ trở về ngay, đúng nghĩa chữ du và học.

Nhưng hôm nay nay mình đọc câu này,  sẽ nghĩ lại.

“Hãy đến nơi mà bạn được chào đón. Đừng ở nơi bạn phải chịu đựng”

Nước Úc không chào đón mình, chắc là mình sẽ về quê. Mà không chỉ nước Úc, bất cứ nơi đâu kể cả gia đình chồng mình sau này, nếu mà mình phải chịu đựng, thì mình sẽ ra đi…”.

Về hay ở?
Hãy đến nơi mà bạn được chào đón. Đừng ở nơi bạn phải chịu đựng

Nhận xét của dượng Tony trên trang Tony Buổi Sáng:

Về chuyện này, cách đây mấy năm, Tony đã có viết 1 bài: Du hạc sinh – chuyện ở chuyện về, nay có dịp được đọc bài chia sẻ của du hạc sinh này, Tony có đôi lời như sau:

Thời đại mới, cách nghĩ và cách làm phải mới. Thuở các Đại học ở Việt Nam phải gửi sinh viên đi đào tạo ở Liên Xô và Đông Âu rất khác, bây giờ nếu vẫn gửi sinh viên đi đào tạo để tạo nguồn giảng viên là một sai lầm vô cùng lớn. Thế giới đã rất khác nên cách mình xây dựng khung nhân sự cũng phải khác. “Cử đi học” chỉ phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Cách làm đúng là dùng số tiền đó để trả cho người đã tự đi học, mời về làm. Ví dụ thay vì bỏ 100,000 đô gửi bạn này qua Úc làm thạc sĩ, xong bạn không chịu về, trường nên bỏ 100,000 đô ra để thuê tiến sĩ đã tốt nghiệp các Đại học lớn, họ sẽ về làm và đào tạo cho mình đội ngũ kế cận. Lương bổng là sự thoả thuận hợp pháp giữa người lao động và người sử dụng lao động, không nên có bất cứ “trần” hay “sàn” gì cả.

Tương tự, các tỉnh nghèo cũng không nên có hệ cử tuyển gửi đi đào tạo bác sĩ hay quản lý này nọ. Học xong không mấy ai chịu về. Cứ dùng số tiền đó trả lương thật cao, cỡ 100 triệu/tháng, thì bác sĩ tốt nghiệp xong sẽ chạy tìm về, heo hút cỡ nào cũng đi làm thôi.

Các doanh nghiệp ở tỉnh cũng than phiền là không tìm ra lao động giỏi. Không tìm ra là do lương thấp. Lương trả thấp hơn ở thành phố lớn do mặt bằng sinh hoạt thấp hơn là một tư duy sai. Lương phải trả cao hơn, người ta mới thấy lợi, mới đi về. Càng tỉnh xa, càng heo hút càng phải trả lương cao.

Câu chuyện sáng nay trên TnBS, khá thú vị!

 

 

 

 

 

, , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *