TUỔI GIÀ ĐỚN ĐAU
Ngày xưa, Minh học giỏi và lanh lợi nên năm 18 tuổi, tìm được học bổng toàn phần đến Úc. Học xong ĐH, Minh ở lại làm việc, đưa cô em gái sang học rồi cùng định cư luôn. Sau đó, Minh và em gái lấy quốc tịch, lập gia đình. Ba mẹ Minh, cô Xuân và chú Tiến là giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam, đến khi nghỉ hưu thì bán nhà sang Úc ở với con.
Trong khu dân cư Minh đang ở, người già làm quen với nhau và tạo thành một hội nhỏ, cô Xuân và chú Tiến cũng góp mặt, không mấy khó khăn vì tiếng Anh tốt, chỉ có khó trong việc tham dự các lần đi chơi, vì cô chú không quen vận động.
Người già ở khu cô chú ở, họ đạp xe đi công viên mỗi ngày, thỉnh thoảng lại đi sang Bali, đi các nước khác du lịch, leo núi và chèo thuyền. Cô Xuân nói cái này thì cô chú chịu, đi không nổi. Sao họ bằng tuổi mình, thậm chí lớn hơn tuổi mình mà khoẻ thế không biết. Những người trên 80 tuổi, vẫn đạp xe băng băng trong rừng, vẫn vác ba lô đi khắp nơi du lịch.
Sinh viên các ĐH ở nước ngoài, họ một buổi học, 1 buổi chạy rầm rập quanh campus hay các ký túc xá hay tự ở trong phòng, cũng tập luyện khí thế. Trong ba lô của họ luôn có 1 bộ đồ thể thao và 1 cái khăn lau mồ hôi. Có lẽ vì thế nên tuồi già của họ rất khoẻ, tuổi già rất chất lượng. Học sinh Nhật Bản hay Hàn Quốc học rất nhiều nhưng vận động cũng rất kinh, hầu như ngày nào cũng có giờ vận động để cân bằng giữa thể chất và trí lực.
Trên 70 tuổi, cô chú bắt đầu chỉ muốn ở nhà, thụ động ngồi chờ con cháu về. Mà công việc xứ người, chỗ ở luôn tách lập với khu chỗ làm, lái xe trên đường mất thời gian rất lâu. Cô Xuân nấu cơm xong, ngồi chờ lướt mạng mỏi mắt thì vợ chồng Minh mới về, cả nhà mới ăn cơm, xong thì ngủ chứ không kịp trò chuyện nhiều nữa.
Sau có em bé, vợ Minh muốn ra riêng nên 2 vợ chồng dọn đi chỗ khác, cuối tuần mới chở con cái sang chơi, cả nhà tụ họp. Trong tuần, cô Xuân nói khủng khiếp, từ thứ 2 đến thứ sáu là ngồi đếm thời gian, coi tin tức ở VN, chỉ vui được 2 ngày thứ 7 chủ nhật. Lễ nào tụi nó đi du lịch thì thôi luôn, chỉ biết ngồi buồn, chứ ra vô không biết làm gì.
Cô chú không đi vì đau người, khó ngủ, ngồi máy bay lâu mệt. Mình hỏi ủa phía sau cũng có cái vườn nhỏ nè, sao cô chú không trồng cái gì cho vui mà chỉ để cỏ?, chú Tiến nói thôi mỏi, trồng phải chăm phải tưới. Từ nhỏ cô chú sống kiểu học hành vô cùng chăm chỉ, chữ nghĩa thì rất ham, nhưng cái gì thuộc vận động thì không thích, cái gì vận động đau cơ nhức gân là từ chối tham gia. Chỉ có ăn thì cô chú thấy thoải mái, chú Tiến hóm hỉnh kể vậy. Tủ lạnh đầy ắp thức ăn, bạn bè tụ tập là ăn, gia đình gặp nhau là ăn.
Rồi cô chú trổ bệnh. Sáng đau trưa đau chiều nhức tối nhức. Chữ nghĩa lúc đó cũng hết ham, vì cơ thể đau đớn quá nên tri thức kiến thức lối sống hay bài học làm người làm giàu gì cũng không muốn đọc nữa. Tiền bạc tích luỹ dùng để đi bác sĩ miết,
Minh và cô em ban đầu cũng xin nghỉ phép để đưa đi, sau hết phép nên cô chú tự xoay sở. Rồi giận rồi hờn, xích mích xảy ra. Mấy lần cô định bỏ về lại VN, nhưng lại sợ về thì nhớ con nhớ cháu bên này, nên thôi. Cả ngày cô chú sống trong đau nhức và phiền muộn.
Bạn bè của cô Xuân và chú Tiến ở Việt Nam, những người đồng trang lứa từng kèn cựa với nhau, sáng tối chỉ biết ngồi cắm mặt học để tranh suất vào ĐH khi xưa, giờ gọi điện với nhau kể lể, toàn nói chuyện bệnh và thuốc, bác sĩ và bệnh viện, bày mẹo này mẹo kia để bớt đau.
Tuổi trẻ ngại vận động, sợ đau cơ mỏi gân, thì tuổi già đau đớn. Lúc đó mới tiếc, mới nghĩ “giá như…”. Nhưng đã muộn rồi.
*** Những người còn trẻ, ngay bây giờ, hãy chuẩn bị cho tuổi già. Chuẩn bị cái gì thì tự hiểu. Tầm nhìn 100 năm, 50 năm, 30 năm… cho cá nhân mình.
TnBT
Xem thêm bài cũ :
Rốt cục, cái gì quý nhất trần gian?
Bạn mới đi châu Âu, đi Mỹ, đi Úc, đi Nhật, đi Hàn,…đôi ba lần, thì thấy chu cha sao mà đẹp quá, hiện đại quá, văn minh quá, định bụng nói nếu có điều kiện thì sang đây định cư cho con cái có cơ hội. Nhưng mà bạn nếu có điều kiện đi tiếp, đi trăm nước chẳng hạn, thì mới biết là không đâu mà trái tim mình thuộc về như dải đất hình chữ S này. Nơi đó, có người cùng màu da tiếng nói văn hoá, có lúc thương, có lúc giận, có lúc chửi…nhưng sao mà gần gũi thế. Không thể tìm thấy ở xứ khác. Và Việt Nam cũng là nơi có nhiều cơ hội cho người trẻ hơn. Cứ ai chăm chỉ làm ăn, có đầu óc thì tự mở ra làm, đều dễ dàng hơn so với các xã hội Tây Phương, nơi mọi thứ vốn đã bão hoà.
Bạn có đi hết 63 tỉnh thành, mới thấy ngôi làng, cái xã cái huyện mình đã lớn lên nó tuyệt vời nhất. Có đi nhiều mới thấy không nơi đâu đẹp như quê hương mà mình đã sinh ra, hoặc đã lớn lên. Tuổi thơ trải nghiệm ở đâu là nơi đó là thiên đường. Lỗ Tấn nói “tài sản lớn nhất của một người là ký ức tuổi thơ, hãy cho con cái bạn tài sản lớn nhất này”.
Một trận dịch đang diễn ra như một thông điệp của vũ trụ, rằng sự phát triển của chúng ta đã sai sai ở đâu đó. Sao bỗng dưng cả trái đất bị bệnh thế này. Sao bỗng dưng những nơi đại đô thị lại là nơi dịch bùng phát mạnh nhất? Sao những người ở những nơi máy lạnh bịt bùng, những người giàu có đi máy bay khoang thương gia, những người ham đám đông ăn nhậu ở quán bar,…lại bị nhiều hơn những người lao động chân tay?
Những quan điểm về rời Việt Nam đi Âu Mỹ để định cư từng có trong nhiều người, chúng ta cũng phải cân nhắc lại, đừng để đụng chuyện như dịch bệnh thì mới cuống cuồng tìm cách quay về xin lỗi Tổ quốc này nọ. Bạn là người Việt Nam, tổ quốc này là của bạn, bạn đi hay về thì vẫn là Tổ quốc đấy thôi. Bạn có tâm có tài thì giúp mọi người cùng màu da tiếng nói với bạn có một môi trường sống hạnh phúc, văn minh. Bạn gắn bó với làng quê, giúp đỡ quê hương chứ không phải lúc chết mới đòi đem về quê chôn, quê đã ít đất sản xuất rồi mà còn phải dành để chôn xác của bạn nữa. Chết, là hoả táng cho sạch sẽ, về tro bụi hư không, không cần thờ cúng gì vì chỉ là hình thức. Ai nhớ thì nhớ trong tim, là đủ.
Những thú vui ăn thịt động vật hoang dã, đàn đúm nơi đông người để bù khú….cũng phải nghĩ lại thật nhiều. Một sinh vật nhỏ xíu mắt thường không thấy được đã khiến tất cả chúng ta nhìn lại,
- Loài người có phải là loài mạnh nhất, thông minh nhất hay không?
- Những xu thế tuổi trẻ phải di cư lên thành phố lớn, tìm cơ hội ở đô thị lớn có còn đúng nữa hay không? Tại sao cứ tập trung nơi đông người lại dễ dịch bệnh?
- Sao dịch bệnh trong lịch sử toàn phát sinh từ các đô thị mật độ dân cư đông như Hongkong, Quảng Châu, Băng Cốc, Vũ Hán, Madrid, London, Cairo, Jakarta,…?
- Tại sao gà hay lợn nuôi công nghiệp thì mới bị dính cúm gà, dịch tai xanh…trong khi gà thả vườn thả đồi, lợn nuôi trong nương rẫy thì không bị?…
Và con người cũng thế thôi. Những ngày dịch, phố xá bớt đông đúc như nó đã từng. Các nhà quy hoạch từ nay sẽ nhận ra những sai lầm trong việc dồn sức phát triển Milan, Vũ Hán, Thượng Hải, London, Sài Gòn, Hà Nội, Manila, Băng Cốc, Seoul, Tokyo, New York…. trong khi các nước Bắc Âu, họ đã quy hoạch thành các đô thị nhỏ đều nhau hết, nên phát triển rất vững mạnh.
Và mỗi người, cần nhìn nhận lại giá trị của mình. Thẻ xanh thẻ đỏ, tranh giành để sống ở Q1 Q2 Hoàn Kiếm Đống Đa… có nghĩa lý gì khi chúng ta đổ bệnh? Ung thư phổi thì diễn viên xinh đẹp hay chính khách đầy quyền lực, giáo sư nhiều chữ nghĩa hay cầu thủ nhiều thể lực…đều không thể kéo dài sự sống. Bệnh viện tốt nhất mà mình từng nghĩ như Chợ Rẫy Bạch Mai không cứu được cái phổi nhiễm bệnh khi khói xe cộ hít phải mỗi ngày.
Bác sĩ tốt nhất chính là những cây xanh, sinh vật duy nhất tạo oxy cho trái đất, mà chúng ta đang bức tử mỗi ngày để cất nhà, cất biệt thự biệt phủ, làm khu dân cư mới. Chúng ta sung sướng khi “xây nhà cao cao, cao mãi…” và khoe nhau về nhà rộng, nhà to. Mình là sinh vật trong muôn ngàn sinh vật trên trái đất, 1 diện tích hai ba chục mét vuông để làm cái “chuồng” sống qua kiếp nhân sinh này là quá đủ. Còn lại, tài sản mình có là để san sẻ, giúp đỡ người kém may mắn hơn. Đất đai làm nghĩa trang hoa viên to đùng là lãng phí, xây đô thị mới liên tục là phá huỷ môi trường. Đất đai, loài người phải tận dụng để trồng cây xanh, tạo thật nhiều “bác sĩ” cho trái đất.
Không khí sạch và cái phổi sạch mới là tất cả. Về quê triển khai những thành tựu ngay và luôn đi thôi các bạn. Nó là xu thế để cứu trái đất và cứu bản thân mình. Khi được hỏi cái gì quý nhất, Einstein, bộ óc kiệt xuất nhất của nhân loại nói “là thời gian bạn chịu đựng ít nhất khi thiếu nó”. Thiếu nhà cửa quần áo, bạn vẫn sống. Thiếu nước uống hay thức ăn, bạn vẫn sống được vài hôm. Nhưng thiếu không khí để thở, bạn chỉ có thể chịu đựng không quá 3-4 phút.
Bạn đã biết cái gì quý nhất trên trần gian rồi nhé.
P/S: FB của bạn Doãn Hùng, khởi nghiệp làm túi xách mỹ thuật ở làng quê. Các bạn có thể liên hệ để làm đại lý kinh doanh mùa dịch này. Túi của bạn rất đẹp, tinh xảo, độc đáo và sang trọng. Bạn có thể đặt bạn Hùng gia công, dán thương hiệu của bạn vào để bán.