TÂM và TẦM

TÂM và TẦM

Người ta thích người có TÂM và có TẦM. TÂM nghĩa đen là có trái tim, tức biết yêu thương, biết nghĩ cho người khác. Còn TẦM thì đầu óc lớn, vĩ đại, nghĩ rộng, nghĩ sâu, nghĩ bao quát, nghĩ lâu dài cho vài chục năm, vài trăm năm, nghĩ cho muôn người.

Một đứa trẻ lớn lên, cần lắm đào tạo cho chúng có TÂM. Cha mẹ khôn vặt khôn lỏi, chụp giật và nói dối thì con cái cũng sẽ bắt chước như thế, sống ích kỷ, sẽ thờ ơ với người khác, vun vén cho mình, cho gia đình mình thôi. Tham lam cũng từ đó mà ra.
Những người không chính trực trong xã hội đều có ông bà cha mẹ là người trí trá gian xảo và di truyền lại, nếp gian hình thành từ lúc nhỏ, do bắt chước mà ra.

Cho nên chọn bạn đời, nên tránh xa thể loại dối gian, nếu không muốn thế hệ sau mình không có TÂM, không thể làm nên sự nghiệp gì hết. Lại còn bị người đời khinh rẻ, coi thường.

Cha mẹ ông bà tử tế phải làm gương, phải uốn nắn chỉnh sửa con trẻ từ nhỏ, để giống mình. Còn lỡ sinh trong gia đình như thế thì mỗi người trẻ phải nhận ra, bố mẹ mình vớ vẩn thế, ích kỷ và tham lam thế, nói dối và khôn lỏi khôn vặt thế, vô tâm và không thương người thế… mình phải khác họ thôi! Gạt bỏ văn hoá gia đình cũ ra khỏi đầu mình, thành người mới, trong sáng và thiện lương, nhân ái.

Một đứa trẻ lớn lên, cần lắm đào tạo cho chúng nó có TẦM. Bắt đầu từ ông bà cha mẹ khi đứa trẻ còn nhỏ với gia đình, vụn vặt lặt vặt vớ vẩn bỏ qua, không tốn thời gian. Những đề tài thảo luận trong gia đình không nên là nói về cá nhân người khác, chẳng để làm gì cả, chỉ khiến đầu óc con cái bị tầm bé. Khuyến khích con cái nghĩ lớn, sau này phải giúp muôn người. Khi triển khai cái gì cũng nghĩ đến cái lâu dài, cái mấy đời, cái rộng rãi, không phải giải toả cơi nới vì lúc trước nghĩ vậy là đủ.

Khi đi học, thầy cô phải là những người phóng khoáng, truyền bá cho học trò cái rộng lớn khoáng đạt, cái tự do học thuật và tranh biện, cái sáng tạo và khác biệt.

Khi đi làm, tiền bạc nên xem là công cụ. Đã là công cụ thì lấy ra mà xài, mà dùng, mà giúp người khác. Ai biết tiêu tiền thì mới biết làm ra tiền. Người kém tự tin luôn sợ mất, vì trong lòng mình luôn nghĩ là mình bất tài, không làm lại được, nên có là thủ, là giữ cho bằng được. Có chút xíu là dừng cuộc chơi để bảo toàn. Đầu óc lặt vặt cỏn con, tranh giành mệt mỏi lắm.

Người tự tin thì khác. Sâu trong tâm khảm, họ nghĩ mình là người có tài có trí có chí, nên nếu mất hết thì làm lại. Do không sợ mất nên họ thất bại chục lần vẫn triển khai tiếp, lần sau thì trưởng thành hơn lần trước, cuối cùng sẽ đạt toại nguyện.
Đó là sự khác biệt. Để một đứa trẻ lớn lên có TÂM và có TẦM, ban đầu ảnh hưởng từ gia đình, sau đó là thầy cô, xã hội.

Và quan trọng là nó nhận thức tốt, hiểu và muốn, lập tức đổi não.

Xem bài :

TnBS

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *