Làm sao để sống hay sống khéo

Sống hay sống khéo

Bức tượng nữ thần tự do, biểu tượng của New York và nước Mỹ, là món quà tặng của nước Pháp. Quà tặng từ xa xưa là một trong những cử chỉ thể hiện tình cảm và mối quan hệ. Trong cuộc sống, hầu hết chúng ta đều từng tặng quà và nhận quà tặng, quà tặng bản thân nó không chỉ là giá cả mà mang nhiều thông điệp hơn. Có thể nói, hầu như mọi bất đồng, cử chỉ đầu tiên để nối lại sự hữu hảo chính là quà tặng.

Với người keo kiệt ky bo, họ sẽ phản ứng ngay điều này vì bản thân họ tiếc tiền, nên sẽ tìm cách lý giải cho việc không tặng quà cho ai bao giờ. Ví dụ như sợ người ta không thích, quà hèn mọn sợ người ta chê cười, lỡ người ta vứt đi thì uổng, tình cảm mới quan trọng hơn vật chất, mình đang khó khăn tiền đâu mua quà,…..

Kỳ thực, quà không mang nhiều về giá cả, nó mang giá trị của người tặng, những câu thành ngữ “của cho không bằng cách cho”, “của một đồng công một nén”, “quà tặng chính là tấm lòng”, “xởi lởi trời cho-so đo trời lấy lại”, “ăn ở như bát nước đầy”, “dâu hiền rể thảo-hữu hảo thông gia”, “thơm thảo trời thương”, “trẻ thảo ăn là trẻ thông minh”,….

Có thể có người lợi dụng việc tặng quà để mưu cầu lợi ích, điều đó cũng điều bình thường trong mấy ngàn năm qua. Khi còn đương chức thì bổng lộc đầy nhà, người xung quanh xum xoe cầu cạnh đông nghịt, về hưu một phát thì ngõ vắng hết xôn xao, thì là điều vô cùng bình thường. Ngay cả thầy cô giáo đang dạy, học trò đang học ngày 20-11 mới tới thăm đông, chứ thầy cô giáo cũ thì không có mấy học trò, ai đến thì mới thực lòng vậy (Xem bài : Chị lái đò ). Đó là điều bình thường của nhân tình thế thái, không có gì mà phải ưu sầu hay trách móc. Con người nó là như thế. Đại đa số quan hệ kết nối nhau bằng lợi ích, hết thì thôi.

Nhưng cũng có thiểu số, những tri âm tri kỷ vẫn tìm nhau, vẫn phát những thông điệp lên vũ trụ và dò tìm nhau để kết nối. Họ giữ sợi dây với nhau bằng tình bằng nghĩa. Một ít trái cây, một chục trứng gà, một cây cảnh, một bó hoa, một hộp thuốc bổ, một cuốn sách, hoặc bất cứ quà gì mình có thể tặng và thể hiện tấm lòng.

Muốn sống tình nghĩa vẹn đầy, không chỉ là những lời nói suông. Ở ăn như bát nước đầy. Khi cho tặng xong, quyền sở hữu thuộc về người được tặng, họ làm gì tuỳ họ, chớ có bận tâm. Trừ bậc cao nhân đang sống trên núi, không màng danh lợi gì nữa, quà của họ là một vài lời khuyên mới có giá trị. Còn lại đang sống giữa nhân gian, cũng bày đặt “cho mấy lời khuyên làm quà” thì người ta quánh sưng mỏ.

Tony Buổi Trưa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *