Người hai mặt đẳng cấp
To: CLB Con Dượng
Khắp nơi dự báo tình hình kinh tế cả thế giới sẽ rất khó khăn trong thời gian tới, khó lắm, nên mọi người phải nỗ lực gấp đôi, làm việc gấp đôi mới được. Đầu tuần, ở mọi doanh nghiệp trên thế giới, người ta sẽ làm các việc sau (doanh nghiệp nhé, còn hộ tiểu thương hay sạp bán ở chợ thì không cần).
Cách quản lý 1 doanh nghiệp (một team-đội nhỏ)
Manager (người quản lý) hay management (sự quản lý) có gốc là từ “manage” tức xoay sở, trông nom, sai khiến, dạy dỗ, kiểm tra, đôn đốc, tính toán,…..Tức mình phải vừa làm việc của mình, vừa coi ngó hướng dẫn người khác làm việc. Cái này không ai sinh ra là có, đều do họ muốn mà tự học.
“Manage” chỉ học được qua quá trình thực làm, không thể học thông qua việc tự đọc sách hay học lý thuyết. Việc đi học quản trị ở các trường là vô nghĩa nếu không trực tiếp bắt tay vô làm, tương tự việc học ngành Y, ngành kiến trúc, ngành cơ khí…..Các trường dạy quản trị uy tín trên thế giới đều có những doanh nghiệp thuộc trường, sinh viên sẽ vừa học vừa thực tập (giống mô hình trường Y phải có bệnh viện trực thuộc).
Còn lỡ học tào lao rồi, thì giờ tự học. Học bằng cách thực làm.
Lập báo cáo – Kế hoạch làm việc – To-do list – Deadline
Sáng thứ 2, mình lên cơ quan nếu giao dịch liền sẽ không tốt do mọi người còn đang mắc “hội chứng thứ 2”, khoảng 10h mới trở lại tinh thần cũ. Do đó, từ 8h-10h sáng thứ 2 mình làm các việc sau
1. Lập báo cáo tuần
Đọc lại báo cáo cũ, to-do list trong cả tuần qua, cái nào làm rồi thì xóa đi, ghi cái mới vào. Việc chưa làm, tiến hành làm ngay. Những việc trong 2 tuần vẫn chưa có kết quả, phải nêu lý do trễ nãi. Giải pháp
2. Kế hoạch làm việc trong tuần mới
Mình nghĩ có thể làm những gì trong tuần này, làm thế nào để làm đạt hiệu quả ở mức cao nhất. Mọi công việc phải có thời gian hoàn thành (deadline).
Ví dụ,
- Tuần này mình sẽ làm “cách làm gừng non Gari kiểu Nhật” với nhóm trồng gừng, deadline là sáng thứ 7 nộp cho nhóm trưởng,
- hoặc “liên hệ các trường ở Hà Giang gửi hạt giống chùm ngây lên cho các em” với nhóm Chùm ngây, deadline thứ 6 phải gọi hết 40 trường trong bảng phân công nhiệm vụ, báo cáo ai cần, ai không cần.
- Hoặc “thiết kế bao bì cho nấm của sinh viên ĐH Cần Thơ”, deadline là trưa thứ 4 lúc 11h sẽ có báo cáo, việc thiết kế này do công ty abc làm, thì phải ép công ty abc xác nhận tiến độ là trưa thứ 4 sẽ giao, nếu ko giao sẽ bị phạt 10% giá thiết kế chẳng hạn.
Làm gì với ai cũng cho deadline hoàn thành, không có những câu như “bữa nào”, “khi nào xong sẽ gọi, sẽ giao”, “hôm nào sẽ”, “cuối tháng sẽ (cuối tháng là ngày mấy)”?
Các câu cửa miệng mình sẽ là “xin anh chị vui lòng cho tôi biết việc này khi nào xong không ạ?”. Khi người ta nói ngày cụ thể, mình sẽ nói
- “em đã ghi nhận, và ĐÃ GHI VÀO SỔ để theo dõi và báo cáo bên em, gần ngày đó có cần em nhắc lại không ạ, em sẽ triển khai ngay sau hôm đó, nên mong anh chị đúng giờ để em không trễ với người khác”,
- hoặc “nếu anh chị cảm thấy ko đúng deadline hoàn thành thì vui lòng báo em biết trước 24h, em phải thay đổi lịch”,
- “em cũng sẽ bị công ty phạt nếu ngày đó chưa có cái đó, mong anh chị giúp em”.
Các câu như “khi nào xong anh gọi, anh cũng chẳng biết bao giờ mới xong, xong anh gọi ngay, em yên tâm nhé…” thì là đứa nhảm nhí mất rồi. Làm việc mà không dự trù được khi nào mới xong thì người thiếu i-ốt, nên đổi đối tác.
Các bạn phải quyết liệt, nghiêm túc trong công việc để người ta nể và sợ. Mình luôn dễ thương trong cuộc sống, nhưng trong công việc cần phải khắt khe, kỹ tính, đòi hỏi cao, ràng buộc trách nhiệm, không có chuyện “sao cũng được”, “xuề xoà cho qua”.
Nói không với quên việc, hẹn tới hẹn lui, ai quên việc mình hướng dẫn họ ghi to-do list, nhắc 2-3 lần mà họ vẫn quên thì nếu là nhân viên mình thì cho nghỉ việc hoặc bố trí việc khác đi, họ không có trách nhiệm đâu. Còn nếu đối tác thì đổi đối tác khác. Còn nếu buộc phải theo vì chỉ có họ mới làm được thì đu theo năn nỉ, cho xong việc của mình, dù khinh thường nhưng chớ có ra mặt, xong thì thôi, ko nên quan hệ lâu dài vì chơi với họ mình sẽ nhiễm cái tính nhảm nhí tào lao ấy.
Bản thân mình là quản lý, sáng sớm cứ quăng lên nhóm bảng to-do list của mình. Mình không làm thì kêu nhân viên làm cũng khó. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Ở dưới lộn xộn là do ở trên. Mình phải chỉn chu, đạo đức, chính trực, minh bạch, chăm chỉ….thì mới mong nhân viên nó làm theo.
Kinh tế khó khăn, phải tập trung vô mà làm việc, chớ xao nhãng. Trí não tất cả huy động để suy nghĩ ra việc để làm cả ngày, hết việc này thì tới việc khác, thì doanh thu cty sẽ đến mức trăm tỷ ngàn tỷ. Nghĩ lớn nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ mỗi ngày. Tích gió thành bão, 9 xu đổi lấy 1 hào, rồi tới tỷ đô.
Quản lý có tài có kỷ luật là phải bắt nhân viên ghi to-do list, bản thân mình cũng phải có show ra thì tụi nó mới nể, mới làm theo. Ngồi đọc từng cái của từng nhân viên, giao thêm việc, chiều trước khi hết ngày thì check lại, không chạy theo nhắc cả ngày, công ty có quản lý kém kỷ luật thì không phát triển được.
Nhân viên thử việc thì yêu cầu phải có daily to-do list mỗi sáng sớm và daily report mỗi chiều trước khi về. Khi nhận chính thức thì để họ tự ghi daily to-do list chứ không kiểm tra nữa, nhưng phải có weekly report, coi trong tuần họ đã làm gì, thực trạng, đề xuất? Cuối tháng, tất cả đều phải có monthly report để xem trong tháng làm gì, có khó khăn gì, có đề xuất gì. Nếu không có cái monthly report này thì coi nhưng không có làm việc, không nhận được lương. Kể cả quản lý.
Mình nên có 2 con người, một người hồn nhiên hết mình, vô cùng dễ thương trong cuộc sống. Và một con người khác, dữ dội, quyết liệt, nghiêm túc, chuyên nghiệp đến từng mm, từng phút từng giây trong công việc.
Xem thêm : Kỹ năng – Tư duy của một nhân viên GIỎI
TnBS
Bạn đọc tìm kiếm:
- https://clbconduongtony com/nguoi-hai-mat-dang-cap/