Một mô hình rất hay, cần nhân rộng ra khắp nơi. Mỗi làng quê thôn bản xã phường có một thư viện như thế này thì đất nước mình thật đáng sống.
Nếu sứ mạng cuộc đời của các bạn là “làm cho cuộc sống người khác tốt hơn”, hoặc “giúp người, giúp đời, để lại di sản” như mình từng nghĩ, thì đây cũng là 1 ý tưởng rất rất hay.
Các bạn có thể triển khai, quy mô nhỏ trước, rồi kêu gọi và nhân rộng lên. Nếu bạn cảm thấy sao cuộc đời mình không hạnh phúc, mọi thứ cứ không thoả mãn, thấy thiếu thiếu cái gì đó….thì đến lúc bạn phải cho đi rồi. Cho đi, nhìn thấy người khác vui cười mãn nguyện thì tự dưng mình sẽ thấy hạnh phúc.
Bắt đầu từ những nơi xa xôi, ít cơ hội. Mình đến đó, mang nụ cười cho người.
Tony Buổi Sáng
Làm thư viện để ‘tiêu tiền’
Mong muốn trẻ em ở quê có điều kiện tiếp cận tri thức, anh Nguyễn Văn Pháp, 40 tuổi, làm thư viện miễn phí với 14.000 đầu sách.
Thư viện Xóm Đảo ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, của anh Nguyễn Văn Pháp trở thành địa chỉ thân thuộc của những em nhỏ trong xóm và làng bên suốt 4 năm qua. Nằm trong khu vườn xanh mát rợp chuối và cau, thư viện là không gian lý tưởng để những bạn trẻ “phiêu” trong thế giới sách.
Anh quan niệm, dự án này cũng như một mô hình kinh doanh. Nhưng ở những dự án khác anh làm để kiếm tiền thì dự án này anh làm để “tiêu tiền”. Lợi nhuận mang lại, nếu có, chính là sự trưởng thành của các em, các cháu.

Từ hai phòng đọc dành cho trẻ em và người lớn, hồi đầu năm, anh Pháp đầu tư thêm căn nhà hai tầng khang trang bên cạnh để nâng cấp thư viện. Hiện, thư viện có một phòng sách lớn cho lứa tuổi học sinh; phòng khác cho lứa tuổi lớn hơn; phòng đa chức năng có thiết bị nghe nhìn, máy tính và không gian sinh hoạt chung. “Đây là tâm huyết và tài sản lớn nhất mà tôi tiết kiệm được”, anh Pháp chia sẻ.
Lớn lên ở làng quê, anh mê học hỏi, tìm tòi nhưng ít có điều kiện tiếp xúc với nhiều sách. Đến khi vào đại học Sư phạm, nam sinh mới dành nhiều thời gian để đọc sách phục vụ học tập và công việc. Dần dần, sách trở thành người bạn thân thiết của anh.
Anh Pháp cũng học thêm ngành Kinh tế, rồi du học Thạc sĩ Kinh kế trường Kinh doanh Solvay (Solvay Business School – SBS), thuộc Đại học Tự do Brussel, Vương quốc Bỉ. Về nước, anh làm giáo viên tại TP HCM trước khi chuyển sang làm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh và marketing.
“Đi và sống nhiều nơi, mỗi khi về tôi lại thấy thương quê mình khi chỉ còn người già và trẻ em. Cái nghèo, thiếu thốn đã khiến nhiều người ly hương. Tôi mong muốn làm được điều gì đó cho quê mình nên vào làm thư viện cho bọn trẻ đọc sách”, anh Pháp nói.
Năm 2017, Pháp chuyển công việc từ Đà Lạt về Đà Nẵng (cách Quảng Ngãi 130 km). Anh gom hết hành trang của mình – những cuốn sách đã theo anh nhiều năm qua, vào một căn phòng trong nhà cũ ở xóm Đảo. Tên thư viện được đặt theo tên xóm. “Mỗi mùa lụt đến là xóm biến thành một ốc đảo vây quanh bởi mênh mông nước”, anh Pháp lý giải.
Ở quê, các em phần lớn chỉ đọc và học trong sách giáo khoa, nên Pháp phải giúp bọn trẻ hình thành thói quen đọc dần dần. Ban đầu, anh mở cửa thư viện tự do, không quản lý, ghi tên người mượn sách… dù biết sẽ có hao hụt.

Phan Thị Bích Châu và Võ Ngọc Quyên là hai “fan cứng” của thư viện khi đến đây ít nhất hai lần một tuần. “Ở quê mà có thư viện như thế này rất đặc biệt. Thư viện khác không cho mượn miễn phí và thoải mái, nên em rất trân trọng việc làm của chú Pháp”, Châu nói và cho biết rất mê sách khoa học viễn tưởng vì nó giúp em khám phá những điều bí ẩn.
Còn Quyên bày tỏ cảm kích: “Chú Pháp là người truyền động lực để chúng em đọc sách, giống như một món quà để em thay đổi bản thân”.
Các đầu sách ở thư viện ngày càng phong phú về thể loại: sách tham khảo, truyện tranh, giải trí, văn hóa, xã hội, lịch sử, triết học, ngoại ngữ… chia làm hai không gian phục vụ cho thiếu nhi và người dân. Nhiều cuốn có giá trị lớn được trưng bày riêng một góc. Tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp, khoa học.
Để có lượng sách “khủng” trên, anh Pháp dành nhiều thời gian để tìm mua. Không tiết lộ kinh phí đầu tư, anh Pháp cho biết phần lớn tiền mua sách là do anh tiết kiệm, gom góp khi đi làm, cùng một số sách do những người bạn thân ủng hộ.
“Quan sát sự tiến bộ trong cách cư xử, kết quả học tập của các em và sự phản hồi của bà con, phụ huynh, trường học là những trải nghiệm cực kỳ thú vị”, anh Pháp chia sẻ.
Chủ thư viện luôn tìm cách “kích cầu” để các em nhỏ luôn có hứng thú đến đây. Những ngày lễ, Tết Thiếu nhi, Trung thu… thư viện thường tổ chức chương trình giúp các bạn nhỏ vui chơi. Anh Pháp cũng tổ chức những buổi dã ngoại, du lịch để các em có được trải nghiệm ngoài trang sách.
Mỗi tuần, anh Pháp thường về quê, tổ chức các buổi nói chuyện, khóa học ngắn về các chủ đề: nhiếp ảnh, ứng xử, ứng dụng thông minh trên mạng xã hội, kỹ năng sống… Qua những tương tác với các em, Pháp trở thành một người thầy, người anh gần gũi.

Gần đây, khi thư viện chuyển sang cơ ngơi mới, anh thay đổi phương thức quản lý, chọn 5 bạn trẻ thay phiên trực, sắp xếp và bảo quản sách trong thư viện. Các em mượn sách sẽ tự ghi tên vào sổ, khi đến trả sách tự làm thủ tục. Về lâu dài, những việc này sẽ được thực hiện qua máy tính, phần mềm và tự động đến mức tối đa.
“Tôi hy vọng rằng những cuốn sách sẽ giúp ích các em trong học tập, lớn lên thành người có kiến thức phong phú, khỏe mạnh, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nhất là cơ hội trong việc tiếp cận tri thức”, anh Pháp nói.
Hồi tháng 4, anh Nguyễn Văn Pháp đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi thư biểu dương và ghi nhận việc làm ý nghĩa này.
Phạm Linh
Phap Nguyen Gần 14h ngồi xe đến nơi thì thấy bạn tag cho cái tin này.
Chắc cậu Tony Buổi Sáng biết mình mua sách cậu rất đều và nhiều hihi
Nguyen Tan Qua Ồ, ảnh 40 tủi giồi 😀
Phuong Nguyen Tuyệt vời ông anh!
Nguyễn Ngọc Hải Đăng Tuyệt lắm a ơi
Thanh Uyen Ui hãnh diện bạn của tui quá
Tuyên Nguyễn Hè vừa rồi chút xíu nữa là được dẫn các bạn trong thư viện đi du lịt 😀
Đặng Thảo Ngưỡng mộ anh!
Ung Minh Quyền Thật đáng quý. Vì cho đi là còn mãi.
Trí Kiên Giang Tuyệt vời
Van Thinh Nguyen Sẽ làm theo mô hình của a Pháp.
Nguyễn Hùng Bảo Việt Mình đã làm! Và rất tuyệt vời! Mời các bạn đến mượn đọc!
Luu Nguyen Một con người tuyệt vời.
Diem Trang Le Thi My dream, my ideal <3
Tintin Lien Rất hay, hướng trẻ em tới việc đọc sách như một món ăn tinh thần hàng ngày thay vì chơi điện thoại và xem ti vi. Nhà ai cũng nên có 1 tủ sách dù nhỏ hay to chứ đừng nên là tủ rượu nhé!
Gai Nguyen Chuẩn bị đi chơi mà cũng đang cầm trên tay đây. Nó mê sách rồi
Trần Văn Bắc Phải dạy cho trẻ thói quen đọc sách trước bác ạ,em thấy trẻ con bây giờ thích xem đt hơn là đọc sách báo.
Nguyễn thị Hà Việc làm ý nghĩa!
Mai Hong Son @Hang Phan có mô hình để copy rồi nè !
Nhât Tân Lê Uớc mơ của ba Ớt
Quan Nguyen Hehe, quê anh đó :))) Chỗ anh hay ngồi đọc kiếm hiệp, mộng mơ với anh Pháp :)))
Nhât Tân Lê Wow, thế hả anh. Nơi nuôi dưỡng tâm hồn lạc quan, đầy tiên hiệp của anh Quân.
Giang Đặng Hương Một việc làm ý nghĩa nên nhân rộng… Shop ZOE trước đây cũng có 1 thư viện nho nhỏ dành cho các bạn học viên nhí của lớp học hoạ.
Xóm Đảo Library Thư viện có bộ sách của cậu Tony Buổi Sáng
bạn nào chưa đọc thì ghé thư viện nhen. Hay lắm á!
Minh Quân Ngày xưa cũng muốn làm 1 cái ở thôn cho mn đọc
D.K Đầu năm 2019 tôi quyết định dừng hết những việc mình đang làm để tập trung học: Cụ thể là đọc sách. Đến nay đã gần hai năm. Tôi đã đang ở giai đoạn cuối trong hành trình tự học để lập thân của mình.
Giá như hồi tôi còn là học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba tôi được quen với người như anh, được biết đến việc đọc sách, được cầm trong tay những cuốn sách tốt thì tốt biết mấy. Cảm ơn việc làm rất đẹp của anh và chúc anh sức khỏe!
Tên Không Đẹp Tiêu tiền cho sách là một trong những cách tiêu tiền thông minh nhất mà. Cảm ơn những người có lòng như anh. Hy vọng “mô hình kinh doanh” này sẽ được nhân lên cho các em được hưởng.
huyhoangursa Nghĩa cử thật cao đẹp! Chúc anh bình an và hạnh phúc! Mong anh tiếp tục truyền động lực để các em đọc, học, phát triển bản thân và cống hiến cho xã hội.
Bình An Cảm ơn và ngưỡng mộ việc làm của anh Pháp lắm. Mình rất thích đọc những tin tức tích cực như thế này. Vườn cau xanh ngát thật đẹp. Chúc anh Pháp luôn vui khỏe và thành công trong cuộc sống. Các em nhỏ trong xóm thật là may mắn
Võ Thị Tình Việc làm vô cùng ý nghĩa và nhân văn. Mong anh có nhiều sức khỏe để tiếp tục việc làm này, và có thêm nhiều đồng đội chung chí hướng nhé. Respect!