Một mô hình độc nhất vô nhị, Israel đã làm thế giới ngạc nhiên với một lựa chọn phi thường, Tăng gấp đôi GDP trong một thập kỉ và tăng gấp bốn trong hai mươi năm! “Giải mã bí ẩn Do Thái”. Đó là những tựa đề trên các đầu báo quốc tế thập niên 1960s về một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt của Israel: KIBBUTZIM
Vùng nông thôn của Israel được tổ chức bởi hai dạng cộng đồng dân cư là moshav và kibbutz, cả hai đều có nguồn gốc hình thành từ quá trình tái định cư và phục quốc Do thái vào giai đoạn 1948. Trong đó, các kibbutz được hình thành sớm hơn và dựa trên mức độ cộng đồng cao hơn: toàn bộ đất đai canh tác, vật tư sản xuất và vật liệu tiêu dùng đều thuộc sở hữu công. Các kibbutz ra đời trong bối cảnh người Do Thái chạy trốn các cuộc tàn sát và bài trừ diệt chủng từ khắp nơi trên thế giới (từ châu Âu, cho đến vùng Vịnh) và theo tiếng gọi của phong trào phục quốc Israel đã tự tổ chức thành từng nhóm về lại vùng đất tổ tiên của họ mà lúc này gọi là Palestine. Khi về đến đây, họ gặp muôn trùng khó khăn do sự chống đối kịch liệt của nhóm người Ả Rập định cư và sự non yếu của chính quyền và quân đội Do Thái lâm thời mới thành lập. Vì mục tiêu sinh tồn và an ninh cơ bản, các kibbutz ra đời với nguyên tắc hy sinh lợi ích cá nhân, đề cao sức mạnh tập thể, mỗi thành viên đều phải ra sức lao động vì một mục đích chung lớn hơn.
Cho đến nay kibbutz vẫn được xem là mô hình công xã cộng đồng thành công nhất thế giới vì đã tạo ra được sự công bằng, thậm chí là thịnh vượng cho các thành viên. Vậy làm cách nào kibbutz lại thành công? chúng ta cùng phân tích các đặc điểm của nó nhé.
Để xây dựng thành công kibbutz, các nguyên tắc cơ bản đã được thành viên thống nhất và tuân thủ chặt chẽ, bao gồm: tự nguyện, dân chủ tập trung, kinh tế supply side, cơ chế thị trường giữa các kibbutz, phân bổ công việc công bằng, và sự cải tiến theo thời gian.
Thứ nhất, các kibbutz muốn tồn tại được phải dựa vào nguyên tắc tự nguyện và dân chủ. Các thành viên kibbutz đều là những người chạy nạn diệt chủng từ khắp thế giới đổ về, trước mắt họ là một cơ hội sống sót duy nhất: một vùng đất khá hoang vắng được tổ tiên họ để lại và đang được cộng đồng quốc tế có xu hướng thừa nhận dành cho họ dù chưa chính thức, nhưng vùng đất ấy lại nằm trong tranh chấp với một cộng đồng dân tộc khác không quá mạnh, để chớp thời cơ và giành lấy nó, đòi hỏi mỗi người phải tự nguyện hy sinh vì lợi ích chung. Mỗi thành viên đều ý thức rất rõ sự lựa chọn hạn chế của họ và do vậy đã đi đến thống nhất thành lập ra hội đồng quản trị dân chủ tập trung để thay mặt từng cá nhân sắp xếp, tổ chức, phân bổ nguồn lực. Quyền lực hội đồng cũng rất giới hạn, ở một môi trường cực kỳ dã chiến và thiếu thốn, lại không có nguồn lực viện trợ nào từ bên ngoài, nên yếu tố dân chủ chiếm vai trò quan trọng, một nhiệm kỳ chủ tịch hội đồng kéo dài 4 năm, trong thời gian đó hội đồng có quyền thay mặt cá nhân để ra các quyết định.
Kế đến, các kibbutz không thể có được sự thành công như ngày nay nếu thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao gồm các trí thức, nhà khoa học, kỹ sư, doanh nhân, y bác sĩ. Rất khác so với các dân tộc khác, Do Thái là một dân tộc thông minh kỳ lạ, hơn một ngàn năm sống bám víu vào các nước ở châu Âu và Trung Đông, người Do Thái vẫn chiếm lĩnh các vị trí cao trong xã hội từ chính trị cho đến kinh tế, khoa học, kinh doanh. Có người nói chính vì chịu sự phân biệt đối xử và hà khắc của người dân các nước này mà người Do Thái không có con đường nào khác hơn là phải ra sức học tập, lao động nhiều hơn người bình thường.
Tóm lại, khi trở về dưới mái nhà kibbutz, cộng đồng người Do Thái ở đây đa phần gồm toàn những con người rất tài giỏi, thông thái và đầy năng lực, được tiếp thêm năng lượng từ một thực tiễn: sự cùng đường. Những nhân tố này rất phù hợp để phát triển kinh tế dựa theo mô hình supply side.
Trong kinh tế học, để phát triển kinh tế người ta cần thúc đẩy một trong hai bán phần là demand side và supply side;
Tăng demand side bằng cách khuyến khích chi tiêu, giảm thuế, dỡ bỏ quy định, thậm chí tung các gói tài trợ và cắt giảm chi phí lãi vay, mục đích là người dân tiêu xài càng nhiều thì doanh nghiệp càng dễ bán hàng, mở rộng kinh doanh, khởi nghiệp, tung sản phẩm mới và thuê thêm nhân công, tăng lương thưởng;
Mặt khác, supply side yêu cầu sự tiết giảm một phần chi tiêu để tăng đầu tư phát triển hạ tầng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, tài trợ nghiên cứu để tạo ra phát minh mới giúp nâng cao giới hạn sản xuất và chi tiêu của thế hệ tương lai.
Những năm 50s và 60s ở Israel, nếu tập trung phát triển demand side sẽ là một thảm hoạ, chính phủ không đủ ngân sách để trợ cấp cho người dân, chi phí chiến tranh liên miên, và dẫu có nhiều tiền người dân cũng không có chỗ để chi tiêu, doanh nghiệp tiêu dùng không nên mở ra thêm nhiều, ngược lại nhu cầu cấp bách phải có hệ thống doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp quốc phòng, xưởng cơ khí, phòng thí nghiệm, trường đại học và cơ sở đào tạo nghề.
Nguồn nhân lực tinh hoa và chịu khó ở các kibbutz thời điểm ấy đã đáp ứng vừa kịp lúc cho nhu cầu này, không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt phát minh hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp lại ra đời ở các kibbutz nhỏ bé dọc các hoang mạc mà xưa nay không ai biết tới. Chính trên các đại công trường sản xuất này, hàng loạt sĩ quan quân đội ưu tú và chính trị gia xuất sắc đã được tạo ra và đóng góp quan trọng cho chính phủ Israel non trẻ, năm trong số các thủ tướng Israel gồm cả David Ben-Gurion và Shimon Peres đã từng có ít nhất một thời gian sinh sống ở các kibbutz.
Ngoài ra, Israel không áp dụng chế độ công xã trên toàn bộ lãnh thổ. Ở thành thị, nơi cơ cấu ngành dịch vụ đóng góp lớn vào GDP, động lực cá nhân được tận dụng để tăng cường năng suất lao động thông qua sự công nhận và bảo vệ tài sản tư hữu. Ở nông thôn, cơ chế thị trường cũng được áp dụng để tạo sự cạnh tranh giữa các kibbutz với nhau. Các kibbutz có thương hiệu riêng, có doanh thu và do đó có động lực cần cải tiến chất lượng sản phẩm liên tục. Tuy có sự hợp tác giữa các kibbutz trong việc cử ra một đại diện chung là Cơ quan quản lý kibbutz (The Kibbutz Movement) để làm việc với chính phủ, nhưng cơ quan này khá độc lập so với phần còn lại của chính phủ, đảm bảo sự can thiệp rất hạn chế của cấp trung ương vào công việc nội bộ của từng kibbutz. Kibbutz thuở ban đầu ấy giống với một công ty cổ phần nơi mỗi thành viên đều là một cổ đông bình đẳng về số lượng cổ phiếu, công ty cổ phần này vẫn phải cạnh tranh quyết liệt với các công ty khác trên thị trường tự do.
Về sự tổ chức bên trong nội bộ từng kibbutz, ở đây tính cộng đồng mới cho thấy vai trò quan trọng của nó. Mỗi thành viên trong kibbutz tuân thủ cơ chế phân bổ lao động của hội đồng quản trị mà họ có quyền bầu ra mỗi 4 năm. Thành viên góp toàn bộ nhà ở, tài sản mang theo vào tài sản chung của kibbutz. Hội đồng sẽ chia việc cho từng người tuỳ vào năng lực phù hợp của họ, có những công việc tay chân như giặt giũ, nấu ăn, vệ sinh, trồng trọt, chăn nuôi thì được chia đều theo ca, ai cũng phải góp phần vào làm. Con cái không dành phần lớn thời gian với bố mẹ mà ở trong các trường học tập trung, học phí do kibbutz chi trả. Bà mẹ có sữa sẽ cho con của nhiều gia đình khác bú. Xe cộ và phương tiện đi lại được dùng chung và tập kết ở bãi đỗ công cộng. Việc bảo trì nhà cửa và phương tiện sản xuất do kibbutz lo liệu và chi phí. Tiền lương sinh hoạt được chia theo đầu người và chênh lệch tối thiểu dù là lao động chân tay hay trí thức. Đặc biệt các kibbutz thường được thiết kế xây dựng theo dạng các vòng tròn đồng tâm, mà ở chính giữa là nhà ăn tập thể, nơi các bác sĩ và chuyên gia kỹ thuật ngồi ăn cạnh các lao công và người nông dân. Người già được chu cấp lương hưu và chăm sóc y tế bằng ngân sách kibbutz. Mọi vấn đề tranh chấp và tội phạm đều được xử lý tập trung bởi các nhánh tư pháp của kibbutz, do hội đồng dân cử quản lý. Vào giai đoạn sơ khai và khó khăn nhất, gia đình nào lén cho con mình ăn riêng hoặc sở hữu nhà vệ sinh riêng bị xem là ích kỷ và phải chịu hình phạt. Những thiết chế cộng đồng này góp phần ổn định xã hội trong giai đoạn chiến tranh và phát triển hạ tầng rất tốt, các kibbutz nhanh chóng đóng góp lớn vào sản lượng công-nông nghiệp và nhân sự quốc phòng cho trung ương.
Mô hình công xã kibbutz như trên tồn tại rất tốt trong thập kỉ 50s 60s, ổn định và thể hiện nhiều thiếu sót trong thập kỉ 70s, gặp khủng hoảng trong thập kỉ 80s, và trải qua nhiều cải tiến lớn đầu thập kỉ 90s. Nguyên dân là do khi mức độ chuyên môn hoá tăng dần theo thời gian và sự thâm canh trong nông nghiệp đạt đến một ngưỡng nhất định, việc phân bổ đều công việc theo đầu người trở thành phản tác dụng, làm giảm năng suất lao động và xảy ra nhiều sự cố trong sản xuất. Đồng thời một số cá nhân xuất sắc về một vài lĩnh vực không muốn chia đều toàn bộ thành quả lao động vất vả của mình với những người kém năng suất hơn. Quỹ an sinh xã hội và quỹ lương hưu dần cạn kiệt, nợ công lên đến 400% do người già ngày một tăng trong khi người trẻ không thiết tha với công việc ở kibbutz nữa mà quan tâm hơn đến các ngành nghề khác có chuyên môn sâu và tạo đột phá về năng suất như công nghệ thông tin và sinh học ở những trung tâm giáo dục-khởi nghiệp ở khu vực thành thị.
Quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số từ nông thôn lên thành thị do sự bùng nổ của các ngành nghề mới có hàm lượng chất xám cao là một quá trình đô thị hoá có quy hoạch và có lợi, không phải đô thị hoá tự phát do thiếu việc làm. Đồng thời xã hội Israel thời bấy giờ cũng đã ổn định nhanh chóng, chiến sự giảm thiểu, mức sống đạt trung bình và không còn nghèo khó. Nhận diện chính xác tình hình trên, các kibbutz mạnh dạn đổi mới mô hình quản lý. Người dân không còn cần phải đóng góp toàn bộ thành quả lao động vào quỹ chung, nhưng vẫn duy trì một mức đóng góp khá lớn để phân phối lại vào mạng lưới an sinh xã hội và chăm sóc y tế cộng đồng. Ngoài khoản đóng góp bắt buộc đó ra, thành viên được giữ lại một phần thu nhập để chăm sóc gia đình. Trẻ em không cần phải sống tách biệt bố mẹ. Tư liệu sản xuất được tư nhân hoá để các cá nhân, công ty có chuyên môn đặc biệt sở hữu và cạnh tranh tốt hơn. Các cơ sở hạ tầng công cộng trước đây vẫn được duy trì nếu người dân mong muốn, một số được nâng cấp và thay đổi mục đích sử dụng thành các địa điểm du lịch, thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan và chi tiêu. Thật vậy, rất nhiều vườn chà là, công viên cảnh quan, nhà ăn tập thể, vườn nho và nhà máy rượu vang trở thành địa điểm du lịch quốc tế ăn khách. Các kibbutz tổ chức làm thương hiệu và truyền thông khắp thế giới, tạo ra một ngành kinh doanh mới và một động lực sống mới mẻ từ những đoàn du khách vui vẻ và hào phóng. Các kibbutz đã làm cuộc cách mạng thành công, thay đổi bộ mặt già cỗi hoang tàn những năm 80s thành một trong những trung tâm du lịch, mua sắm và giải trí sôi động và mang tính quốc tế nhất thế giới.
Để duy trì sự thành công xuyên suốt lịch sử hình thành, phát triển và tồn tại cho đến tận ngày nay, các kibbutz đã sử dụng một tính chất rất quan trọng, đó là sự thích nghi. Việc vận dụng tính cộng đồng trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn và thử thách là rất phù hợp trong bối cảnh đó, giúp kibbutz nhanh chóng phát triển các ngành nông nghiệp và công nghiệp nền. Sau đó sự cải tiến theo hướng kinh tế thị trường và cổ phần hoá lại giúp kibbutz tận dụng tối đa chất xám và động lực của mỗi cá nhân. Ngày nay, các kibbutz là một cộng đồng kinh tế thị trường nhưng có mức an sinh xã hội và thuế thu nhập khá cao, thu hút những con người phù hợp và ưa thích lối sống an nhàn tập thể ở miền quê, đồng thời tạo điều kiện để những cá nhân có nhu cầu theo đuổi các ngành nghề chuyên môn sâu di chuyển về các trung tâm công nghệ cao với lối sống tự do hơn.
Đặc biệt có một cá nhân đã đóng góp rất lớn vào quá trình đổi mới và hồi sinh các kibbutz và moshav nói chung ở Israel trong thập kỉ 90s. Bài viết sau mình sẽ viết về nhân vật này nhé, một người rất ngầu, từng phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm, vừa tham gia các chiến dịch giải cứu con tin nổi tiếng nhất Israel, lại vừa hoàn thành hai bằng cử nhân ở Harvard và MIT, và sau này trở thành một trong những người quyền lực nhất đất nước này. Các bạn nhớ bấm nút follow see first, like, share public, và comment tương tác với post để luôn nhận những bài mới nhất của mình nhé.
Trong hình: Botanical Garden kibbutz Ein Gedi, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới của Israel
Nguyễn Mạnh Tuấn Mô hình xã hội sản xuất mới tạo ra cách thức công nghệ sản phẩm. Mô hình xã hội tiêu dùng đi sâu vào hưởng thụ và vay nợ để hưởng thụ.