CÓ thì nói thế nào?

CÓ thì nói thế nào?

(Chuyện điểm danh ở Đại học)

Trường Đại học X chuẩn bị mở hệ quốc tế, nhận sinh viên nước ngoài đến học. Thầy hiệu trưởng hỏi một anh tiến sĩ mới tốt nghiệp trường Tây về (anh này sang nước ngoài học ĐH xịn rồi lên tiến sĩ mới về nước giảng dạy), hỏi là:

“Tiếng Anh nói chữ như thế nào? trong trường hợp điểm danh ấy. Ví dụ, gọi Nguyễn Văn A, thì bạn A phải hô CÓ để giám thị ghi vào sổ. Sinh viên nước ngoài đến, mình gọi điểm danh, Michael Jackson, thì anh Michael đó phải hô , chữ đó thế nào để tôi phổ biến cho các thầy giám thị.”

Anh tiến sĩ lúng túng, không biết chữ này tiếng Anh nói thế nào cả, vì ở những trường anh học trước đây, hoàn toàn không có chuyện điểm danh vì là trường hàn lâm nổi tiếng cả, sinh viên vào toàn là tinh hoa, ham học khủng khiếp. Chuyện giám thị chạy vô cầm micro điểm danh đầu giờ, cuối giờ và ai vắng mặt 3 lần thì bị cấm thi ở bậc ĐH thì hầu như không còn nước nào áp dụng nữa. Sinh viên đâu phải là trẻ con nữa đâu mà phải ép khuôn kỷ luật, ai tự kỷ luật được thì có kiến thức, có bằng cấp, ai không có thì đành chịu.

Bậc Đại Học trở lên là bậc nghề, tức đào tạo để có chuyên môn, hàng hóa chính là kiến thức chuyên môn. Học phí là giá mua. Trường là cái sàn giao dịch, nơi để thầy cô là người giao hàng và sinh viên là người nhận. Bằng là hóa đơn mua hàng. Trả tiền rồi mà không nhận hàng giao thì kệ nó chứ mắc mớ gì phải bắt có mặt nhận liên tục, không nhận giao hàng 3 ngày thì cấm thi, đánh rớt? Nó cứ nghỉ thoải mái, home schooling, tự học, tự nghiên cứu, tới ngày thi, thi được tức đạt yêu cầu nắm vững cái đó thì qua, không thì thôi, học lại.

Giống thi IELTS vậy, học đâu kệ, tới ngày thi, đạt thì được chứng nhận, không thì tốn tiền thi lại. Đầu vào 100 đứa, 99 không đạt thì chỉ 1 đứa tốt nghiệp. Đó mới là cách giáo dục ĐH đúng, ĐH xịn, giáo viên phải tìm cách dạy hấp dẫn cho SV mong chờ. Nếu cần tương tác thì có cách là cho sinh viên viết review các buổi học gửi email cho thầy, ai nộp review hết sau các buổi học thì khỏi thi cuối môn, sinh viên tự do chọn lên lớp hay chọn tự học ở thư viện, ở nhà…

Anh tiến sĩ nói xong, ông hiệu trưởng sững sờ, nói: “Trời ơi, đó là ở nước ngoài. Sinh viên VN như trẻ con ấy thầy ạ, không ép, không mắng, không kiểm tra, không đốc thúc, không dí… là tụi nó không học đâu. Người tự học chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, 22 tuổi ở VN chỉ trưởng thành bằng đứa 18 tuổi bên đó thôi, thầy phải ép vào, mắng mỏ sỉ vả móc méo, lôi cha mẹ, kể lể công nuôi ăn học, rồi tiền bạc đủ kiểu giùm, tụi nó mới học. Với thầy phải nương tay, trừ đứa dở quá thôi, chứ nó cũng có hiểu biết chút thì thầy cho qua, làm khó quá tụi nó lên mạng đồn, khóa sau khó tuyển sinh. Dạy lái xe cũng phải điểm danh thầy ạ. Đi làm công sở mà không thúc ép thì nhân viên không làm đâu, nên mới có ông giám đốc, tức giám sát và đốc thúc.”

Anh tiến sĩ ngơ ngác, không thể hiểu vì sao vẫn còn điểm danh như thế. Giao hàng phải ép lấy cho bằng được, dù đã trả tiền rồi. Thật lạ!

TnBS

Xem thêm : Chuyện bằng chuyện cấp, chuyện của riêng mình

Bạn đọc comment:

Tú Linh Vũ Thanh Ngân # lớp trưởng gương mẫu 😀

Hieu Le Tran Khi giảng viên chưa đủ tự tin về bài giảng của mình có thể hấp dẫn sinh viên đến học thì phải dùng quy định hành chính là điểm danh để buộc sinh viên có mặt (nhưng không phải để học). Giá mà hệ thống quản lý chất lượng ở các trường ĐH tại VN cho phép thải giáo viên dạy có ít sv đến nghe và loại sv không qua được các môn thi một cách công bằng thì mọi thứ đều ổn.

Nguyễn Dạ Nguyệt Quang Hieu Le Tran nói đi cũng phải nói lại, kể cả gv có dạy hay mà sv không học thì trách ai? Chưa kể hay dở tùy người, với người nay hay, với người kia dở. Thế còn TH người lười ra kết quả thấp và ngụy biện đổ lỗi cho gv dạy dở bạn tính sao?

Hieu Le Tran Người lười không học thì sẽ thi trượt và bị loại, đổ lỗi cho ai được? Còn giảng viên thì cũng có nhiều chỉ số để đánh giá chất lượng, ví dụ như lượng sv tham gia các tiết học (trên cơ sở tự nguyện) và tỷ lệ đỗ của sv môn đó.

Nguyen Thanh Tinh Khi xưa nhà nghèo học Đại học phải đi làm bồi bàn nhà hàng cạnh trường, mỗi lần có điểm danh là bạn bè alo chạy qua điểm danh, nhiều hôm thay đồ không kịp mặc nguyên bộ đồng phục nhà hàng lao vào giảng đường để ” Có”.

Hoàng Huy Với tư cách là 1 cựu hs,sv cá biệt, theo quan điểm của tôi thì các trường ĐH là nhà cung cấp, kiến thức là hàng hóa, các giáo viên là người giao hàng, bản thân các sv là 1 công ty, còn khách hàng để bạn phục vụ là các cá nhân tổ chức ngoài xã hội.
ĐH còn cung cấp cho các sv 1 dịch vụ đi kèm là 1 vòng an toàn mà bản chất là 1 xã hội thu nhỏ, nơi bạn có thể thử mọi điều trước khi chính thức ngoài đời để phụng sự xã hội thực tại. Nên việc bạn tự luyện được các kỹ năng mềm như chém gió, tán gái, cách gấp phong bì… cũng là 1 điều hết sức thú vị.
Việc học thế nào không quan trọng. Quan trọng là bạn có thể chuẩn bị đủ cho bản thân các kỹ năng và yếu tố (bằng cấp) cần thiết theo tầm nhìn riêng của mỗi người để đương đầu với vấn đề cơm áo gạo tiền khi ra trường.
Mặc kệ hàng hóa ngon hay dở, tốt hay xấu thì khi bạn đã chọn rồi thì tôi tin bạn sẽ có những cách riêng sử dụng sản phẩm để sau đó mang lại giá trị cao cho khách hàng của bạn. 😀

Liễu Hồ Từ nhỏ đã ép: ăn, học, đi, nói… cái cầu ép không ép cái không cần thì bố mẹ lại bắt. 18 tuổi đi học đh còn đưa cơm đến tận miệng mới ăn. Vậy nên không điểm danh chỉ ngủ và chơi làm sao tn. Đau đầu?

Tran Nguyen Hôm bữa có 1 cái clip 1 bạn gái ở ĐH bị bạn bè hắt hủi vì “lỡ” nhắc gv điểm danh, mình cũng cmt y quan điểm của bác Tony thế mà cả đống đứa nhảy vô phản đối đòi phải điểm danh mới đúng với đủ lý do. Dẹp hết ba cái điểm danh vớ vẩn đi, cho tự do học tập, muốn nghỉ thì nghỉ thoải mái, đến kỳ thi ko đạt thì tự bỏ tiền ra học lại là tự biết sợ thôi.

Mạnh Tú Trần Sau đại học còn bắt điểm danh nữa là đại học. Nhảm

Long Nguyen Lỗi hệ thống.

Võ Hoàng Định Vì chạy theo thành tích đầu ra thôi.

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *