Cô gái Bơ Nông vs Gạo lứt rẫy Bh.nong – Minh Nga

Cô gái Bơ Nông – Minh Nga

Có một cô gái tên là Minh Nga, người gốc Quảng Nam, vào Sài Gòn đi học ĐH, rồi làm việc theo đúng chuyên môn đào tạo, là một nhà báo tại Sài Gòn, thu nhập cũng đủ ăn, đủ trả tiền nhà trọ, vui chơi với bạn bè.

Nhưng bạn ngồi nghĩ lại, nếu cứ tiếp tục vầy thì tương lai sẽ đi về đâu?  thành phố siêu dân số đó làm gì có chỗ cho người không thế-không thân-không tài năng xuất chúng? Đại đa số người ở Sài Gòn đều đang tồn tại chứ không phải đang sống, mưu sinh ở đó càng ngày càng khốc liệt với đội ngũ Grab Bike và giao hàng đã phổ cập tới bậc đại học. Việc làm rất nhiều ở Sài Gòn nhưng phần lớn là các việc không tên tuổi, không tương lai, sáng đi làm tối về và cứ thế hết 1 ngày của đời người. Cuối tuần thì ngồi cà phê, đi ăn lẩu, rồi hát karaoke rồi về, lại hết 1 tuần.

Sau 10 năm sống kiểu như vậy, khác với đại đa số tặc lưỡi chép miệng bỏ qua, không dám thay đổi vì sợ cực, nhưng bạn Nga cảm thấy không thích nữa, thấy trôi qua cả đời như thế thì cũng không có gì thú vị với bạn, vả lại bạn thích sống nơi rộng rãi, vắng người, hòa mình với thiên nhiên…. nên bạn mạnh mẽ bỏ ngang hết, kéo vali trở về làng quê cũ, một xã miền núi khá heo hút và chủ yếu là người đồng bào thiểu số của tỉnh Quảng Nam. Làm gì thì bạn không rõ, về khảo sát đã. (Người có tố chất thường rất quyết đoán trong các quyết định của mình, có đúng, có sai, nhưng nói là làm. Hứa với ai là thực hiện lời hứa, kể cả hứa với chính mình.)

Về quê, ban ngày, Nga lang thang đi thu mua nông sản của đồng bào, về chà rửa rồi đóng gói bán. Gạo lứt hay đậu của người đồng bào, bạn mua về, nhóm lửa rang lên, đóng gói và mỗi buổi tối, sau khi mệt nhoài vì những mẻ rang, bạn ăn mặc xinh đẹp, live stream bán hàng. Sáng hôm sau, bạn tất tả dậy sớm, lên đơn hàng, chở đi giao cho đơn vị chuyển phát nhanh, rồi tiếp tục vào rừng, vào từng buôn làng thu mua nông sản làm nguyên liệu.

Chẻ củi rang đậu mất 5 năm ròng rã để người ta biết đến bạn và xây dựng được hệ thống phân phối Gạo lứt rẫy Bh.nong toàn quốc. Tiền lãi kinh doanh, bạn mở rộng xưởng, giúp người thân trong gia đình, giúp trẻ em trong vùng. Từ khi bạn về mở doanh nghiệp, mọi thứ xung quanh bạn tốt đẹp dần lên. Chiều chiều, lái ô tô từ xưởng tạt ngang nhà chuyện trò chút với cha với mẹ rồi quay về xưởng làm tiếp, rất hay.

Mô hình này, các bạn thấy thích thì có thể làm cái tương tự. Làng xã mình có thêm vài doanh nghiệp nữa, thì rất hay. Mình đóng góp nho nhỏ cho quê hương vậy thôi.

Cho ăn vàng cũng không dắt đàng đi buôn

Một ngày đẹp trời, Nga nhận được tin nhắn:“Chị ơi vợ chồng em cũng làm gạo lứt, ngũ cốc ở Huế. Em muốn chị cho em vô tham quan nhà máy sx của chị và học hỏi kinh nghiệm được không?”

Nga cũng khá bất ngờ vì từ hồi nào giờ, ít khi nào làm cùng lĩnh vực mà lại đi hỏi lẫn nhau. Người hỏi cũng ngại mà người được hỏi cũng hiếm khi đồng ý. Thật vậy, em cũng chia sẻ là đã liên hệ rất nhiều nơi nhưng người ta đều TỪ CHỐI với nhiều lý do. Thứ 1 họ sợ cạnh tranh. Thứ 2 họ giấu nghề. Và nhiều lý do khác mà SAY NO. Kiểu như ông bà ta có câu “Cho ăn vàng cũng không dắt đàng đi buôn”.

Nhưng Nga thì không, Nga vui vẻ SAY YES trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của 2 vợ chồng em. “Em cũng nhắn vậy chứ nghĩ chắc dễ gì chị đồng ý” – nên ngay hôm sau 2 vợ chồng chở nhau vượt hơn 200km từ Huế vô Quảng Nam. Nga dắt đi tham quan xưởng, máy móc rồi từ kinh nghiệm làm sp, bao bì, truyền thông, tuyển đại lý… Nga đều chia sẻ lại cho em với những gì Nga trải qua. Nga cũng chưa giỏi nhưng có gì Nga nói nấy, thật lòng chả giấu giếm gì. Vì ngẫm ra, những gì mình có được cũng là từ học hỏi & từ kinh nghiệm mà ra. Cũng chẳng có gì to tát, cao siêu mà gọi là giấu nghề, giấu kiến thức cả.

Team sản xuất của TNBS, hào sảng đâu chỉ có tiền, còn cả những sự sẻ chia khác nữa! (Xem bài : Hào sảng là gì?)

Thêm 1 nhà máy ở quê mọc lên thì thêm một cơ hội việc làm cho người dân, thêm một xóm làng phát triển phồn vinh giàu mạnh. Mình phải lấy làm vui mừng và hết lòng nâng đỡ nhau mới đúng chứ. Cũng khởi nghiệp mà, ai cũng khó khăn cả. Còn cạnh tranh ư? Mỗi người đều có “phước phần” riêng rồi.

Giờ thì chờ ngày 2 vợ chồng xây xong cái xưởng để mời Nga ra dự khai trương thôi nè!
….
Nếu bạn nào muốn hỏi gì, học gì thì đừng ngại, cứ liên hệ Nga chia sẻ hết những gì Nga biết hỉ!

Minh Nga

Tư tưởng phải phóng khoáng rộng rãi, làm trong nước với nhau mà cạnh tranh cái gì, thêm 1000 nhà máy nữa y chang mình thì vẫn tốt cho đất nước. Có cạnh tranh là cạnh tranh với bánh Nhật, bánh Hàn, bánh Trung, bánh Mỹ, bánh Âu….kia kìa.

Đầu óc phóng khoáng, rộng mở. Trong làm ăn, bỏ phần phân tích đối thủ cạnh tranh ra khỏi tư duy của mình. Chỉ tập trung vô sửa mình cho tốt thôi.

  • Làm báo cáo tài chính minh bạch rõ ràng, cuối ngày cuối tuần cuối tháng phải tổng kết để gửi cho cổ đông coi lẫn tự mình ngồi đọc, điều chỉnh.
  • Làm công tác nhân sự theo hướng HƯỚNG DẪN người ta làm, chứ không phải mệnh lệnh ép buộc.
  • Làm thị trường theo hướng dấn thân, ai trong doanh nghiệp cũng là 1 chiến sĩ bán hàng, chú bảo vệ cũng phải đặt tay lên tim mình mà phục vụ khách.
  • Còn giám đốc, quản lý…. thì phải giám sát, đốc thúc, cổ vũ, đề ra cách thưởng – phạt phân minh cho mọi người cùng làm.

Còn đối thủ cạnh tranh mình là ai, nói không biết, không quan tâm. Làm gì có đối thủ nào ở bên ngoài.

Đối thủ của mình chính là cái lười biếng, hẹp hòi và u mê của mình thôi!

================

Các bạn kết bạn với bạn Minh Nga này để tìm mua đất làm nông trại dưỡng già của mình ở đây (Hiệp Đức, Quảng Nam). Nơi đây giá đất còn hợp lý, đất đai tốt, có nguồn nước tự nhiên và mạch nước ngầm, cây cối xanh tươi như thế. Lại cách Hub Đà Nẵng và sân bay Chu Lai không xa.

Thành phố là cho thời trẻ. Như bác Khôi này, bác vào Sài Gòn trong đầu thập niên 90 mới kiếm ăn được, và chịu cực vô cùng mới được như thế. Còn bây giờ thì càng ngày càng khó, các bạn đến các thành phố nhỏ hơn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh, Huế, Nha Trang, Quy Nhơn, Ban Mê, Đà Lạt, Cần Thơ….cũng sẽ tận dụng được lợi thế còn mới, từ từ dân cư ở những nơi này sẽ đông dần lên, và còn nhiều cái để cung cấp, sẽ kiếm được tiền nếu thích ở phố.

Còn về già rồi thì như chú Khôi này, có thể về quê cũ hoặc tìm một nơi nào đó sơn thuỷ hữu tình để sống những tháng ngày cuối cùng trên mặt đất, gắn bó với cây cỏ thiên nhiên, biển xanh núi cao mây trắng….

Ở thành phố, cái hộp 100m2, 200m2 hay 1000m2 đi nữa thì cũng chỉ là cái lồng, cái chậu mà mình là con chim, con cá nằm trong đó mà thôi, cái gọi là nhà ở thật ra chỉ là cái lồng chim, cái chậu cá. Các bạn ngẫm có đúng không? Có nên kiệt sức 1 đời người chỉ để sắm cho mình 1 cái lồng, 1 cái chậu?

TnBS

, , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *