Chuyện hai bán cầu não bộ
Bí mật của hạc sinh Hàn Quốc là điều khiển 2 bán cầu não khi hạc tập. Nên họ hạc giỏi không ai bằng.
Xem bài : Giáo dục Hàn Quốc
Bán cầu não trái với chức năng như là cái KHO chứa kiến thức còn bán cầu não phải có chức năng chứa văn chương, tưởng tượng. Phần lớn các môn ở trường đòi hỏi trí nhớ với hàng loạt công thức, tính toán….nên chủ yếu giúp bán cầu não trái phát triển. Bán cầu não phải được kích hoạt qua môn xã hội, nhưng ở nhiều nước, lại thiên về bắt nhớ các ý, các dữ kiện và số liệu. Cuối cùng cũng quy về phát triển não trái.
Ra đời, người thành công là người được phát triển 2 bán cầu não. Tư duy logic, hợp lý, sắp xếp tính toán. Và ăn nói sắc sảo, lưu loát, nói hay viết hay, có tình nghĩa và đàng hoàng tử tế trong nhân cách. Người ta gọi là “thấu tình đạt lý” hay thằng này có “não đều quá mậy”.
Hàn Quốc vào thập niên 60 nghèo quá, cái họ lén qua Nhật, coi sách giáo khoa, phương pháp dạy thế nào bắt chước y chang mang về, trong đó có phương pháp 2 bán cầu não. (Xem bài : Người Nhật học hành như thế nào?)
Chỉ 20 năm, 1 thế hệ hạc sinh Hàn Quốc trưởng thành, giỏi giang, giúp đất nước họ hóa rồng. Nhưng họ cũng bí mật, không bao giờ tiết lộ ra bên ngoài (trừ khi nói chuyện với Tony vì trước gương mặt thanh tú ấy, mọi bí mật đều phải lòi ra)
Vậy nhé. Muốn kích hoạt bán cầu não trái, ví dụ khi hạc ngoại ngữ hay bất cứ môn nào, phải NẮM CHẶT TAY PHẢI. Nó sẽ ghi nhớ tất tần tật cái gì mình đã dung nạp vào tai và mắt. Còn lúc thi viết chẳng hạn… mình cũng nên 5 phút nắm chặt tay phải 1 lần. Kiến thức và dữ liệu từ lúc 2 tuổi sẽ hiện ra mồn một trong đầu.
Khi đụng 1 sự kiện cần phản ứng, NẮM CHẶT TAY TRÁI. Ví dụ gặp 1 thằng Tây, nó nói How are you? Thì câu này sẽ truyền lên não phải. Não trái, thấy đã biết từ này, lập tức xác nhận nó hỏi vậy là “có khỏe không”. Não phải sẽ chỉ đạo cái miệng trả lời : I am fine. Vì vậy, lúc giao tiếp, gọi điện thoại cho công việc hay thi vấn đáp hay nghe nhạc, đọc sách văn chương xem phim…mình bóp chặt tay trái 5 phút 1 lần. Não phải sẽ kích hoạt và giúp mình thăng hoa, nghe nhạc cũng sướng, đọc sách cũng sướng, nói chuyện thì hay thôi là hay.

Người bình thường chỉ sử dụng 5% dung lượng não trái. Nhà thông thái thì được 10%. Tức nó bộ nhớ 64GB thì mình mới lưu có vài ba GB. Một số người làm biếng đọc sách thì còn ít hơn nữa, 1-2 MB chứa toàn chuyện nhảm nhí quần quần áo áo.
Người tài giỏi họ đọc sách nhiều, nên não trái chứa Chuông Nguyện Hồn Ai, Sông Đông Êm Đềm, Cánh Đồng Bất Tận, Cuốn Theo Chiều gió…, khi nhìn thấy cảnh đẹp, con người đẹp…lập tức rung động, thương yêu, đồng cảm. Sách chuyên môn, kinh tế xã hội gì cũng đọc… nên dữ liệu lĩnh vực gì cũng có trong não của họ. Làm việc gì cũng dễ dàng thuận lợi.
Kết quả: giàu có quý phái đẳng cấp, sống 1 cuộc đời đầy ý nghĩa và phong lưu.
Còn cũng có thể loại chỉ suốt ngày chat chit và đọc tin lá cải thì bán cầu não trái chứa toàn Clip nóng lạnh, ca sĩ A lộ hàng, diễn viên B cởi áo, ông chăn vịt hiếp bà bán rau. Thể loại này thấy chữ nhiều là bỏ qua. Nên trước 1 hoàn cảnh thương tâm, không khóc được vì không biết vì sao phải khóc. Trước 1 vấn đề hóc búa cần xử lý, không biết làm sao, vì không có dữ liệu.
Cả ngày ngồi ngây ngô. Không biết gì. Không làm gì. Không hạc hành gì. Chỉ ngồi đồng uống cà phê coi clip hài và đi ra đi vô nặn mụn thử đầm. Nhưng thấy 1 cô gái ăn mặc hở hang thì não trái vội vàng xử lý, vì có dữ liệu. Chim cò bừng bừng trỗi dậy.
Mấy chục năm tồn tại trên cõi đời này, không tạo GDP cho xã hội, không trồng cho trái đất dù 1 cây xanh. Nhưng phải ăn ngày 3 bữa.
2 bán cầu não và cái cơ thể to đùng ấy suốt ngày chỉ xoay quanh việc xử lý 4 cái tứ khoái: ăn, ngủ, x, y.
Rồi hết đời người.
Xem : Một đời xớ rớ
TnBS
Bài viết đã được đưa vào sách Trên Đường Băng – Tony Buổi Sáng
TAY TRÁI TAY PHẢI
Ấn tượng nhất với các giáo sư nổi tiếng, của những lần ngồi theo học chính là năng lực viết tay trái của họ trên bảng. Họ viết tay trái và cơ thể di chuyển sang phải, giúp người học phía dưới không bị che khuất, nhanh chóng nắm ý hơn là phải viết xong rồi đứng tránh ra một phía như người viết tay phải. Mình có lần mình hỏi, sao giáo sư nào cũng thuận tay trái thế, thì thầy trả lời “chúng tôi tập”. Rồi thầy nói thêm “anh thuận tay phải thì nên tập sử dụng tay trái cho cuộc sống hàng ngày, lỡ tay phải bị đau thì tay kia sẽ giúp mình thoải mái trong cuộc sống hơn”.
Thầy dạy nhưng mình không thấy đúng nên không làm theo. Làm tay trái thấy chậm, khó. Vốn nhanh nhẹn nên mình làm gì làm luôn tay thuận cho nhanh, và một cách vô thức, tay trái chỉ còn là tay phụ, khi cần 2 tay thì mới sử dụng. Tay phải một hôm bị sự cố phải bó bột 1 tháng, đúng lúc này mới hiểu “cãi thầy núi đè”. Cầm đũa gắp thức ăn thì rớt lên rớt xuống, gọt hoa quả không được, tắm rửa kỳ cọ người cũng khó, đánh răng cũng chậm, thậm chí bấm điện thoại cũng lâu…
Nhưng vì buộc phải làm nên sau 1 tháng, tay trái cũng thuần thục dần. Mọi thứ đều do làm nhiều mà quen. Lớ ngớ là do ít làm. Sáng nay ngồi ngẫm, nếu gọi là công cụ thì cũng nên có thêm 1 cái sơ-cua (tiếng Pháp secours, tức dự phòng, tiếng Anh là standby/backup, tiếng Trung là 备用/储备), như ĐH Nha Trang có ngành đào tạo cử nhân ngôn ngữ Anh – Trung, là rất hay, sinh viên ra trường gặp Tây thì nói tiếng Anh, gặp người Hoa thì nói tiếng Trung, 2 tay 2 công cụ, dễ kiếm ăn hơn.
Trong nhân lực cũng nên có 2 trợ lý, tay trái tay phải, đứa này đau bụng sáng nay xin nghỉ phép thì mình có đứa khác làm. Vợ chồng cũng nên làm khác ngành nhau, ngành mình tèo thì ngành của người kia nuôi. Nhiều nhân viên văn phòng hay thầy cô giáo, còn trẻ thì dấn thân tập trung cho đạt đỉnh nghề đó, nhưng đến tuổi xế chiều rồi rồi, sắm thêm 1 nghề nhẹ nhàng khác như thủ công mỹ nghệ/cây cảnh/món ăn vặt/may vá thêu thùa…. chẳng hạn, tránh bị cú sốc chán nản khi về hưu.
Sáng nay nghĩ được có nhiêu đó bên ly Cà phê nhà Lơ thơm nức mũi!
TnBT