Cây nhà lá vườn – Hiểm nguy tiềm ẩn

Cây nhà lá vườn – Hiểm nguy tiềm ẩn

Đầu những năm 2000, tui đang ở Hongkong miệt mài học việc. Hongkong lúc đó cũng như Việt Nam thời điểm này, sau thời gian phát triển thì có một nhóm người chuyển sang cả ngày nói chuyện đạo lý như bảo vệ môi trường, nói không với nhựa, nói không với hóa chất, sống thuần tự nhiên, chữa bệnh cũng tự ngồi thiền cho tự khỏi chứ không uống thuốc. Họ đi làm cũng đi bộ vì nói không với xăng dầu.

Tui vô nhóm này sinh hoạt vào chiều cuối tuần vì thấy hay hay. Nhưng thầy tui thì la tui, ổng nói mấy người này thuộc dạng “A kind of extremism”, 1 dạng cực đoan, cái gì cũng có cái tốt, cái xấu, nên cân bằng.

Nghe lời thầy nên tui lên hội xin nghỉ. Bữa đó, hội làm bánh để tới trung thu (tuần sau) thì đi tặng các viện dưỡng lão nghèo (bên đó có viện dưỡng lão cho người giàu, trả tiền như khách sạn bệnh viện 5 sao và viện dưỡng lão cho người nghèo, nhà nước và nhà hảo tâm tài trợ), và gửi cho trẻ em những làng nghèo bên phía đại lục. Tui không đi vì đã rút.

Đêm trung thu ở Hongkong vui nhộn lắm, nhất là khu Victoria Park. Về tắm rửa chuẩn bị ngủ thì ĐT ting ting, trưởng nhóm kêu đi họp khẩn (ở Hongkong người ta sống về đêm, có thể gặp nhau bất cứ lúc nào). Tui không đi vì không còn trong nhóm. Sáng hôm sau, lên công ty ngồi cà phê đọc báo thì thấy hình ảnh nhóm từ thiện này lên trang nhất, bánh trung thu của họ tặng gây ngộ độc hàng loạt, nhiều cụ già đi cấp cứu, một số nguy kịch. Các trẻ em ở làng bên đại lục cũng tiêu chảy, ói mửa, nhập viện…

Sau điều tra mới biết là vì trong bánh do không bỏ chất bảo quản, không có chất gì có thể ức chế vi khuẩn, nấm mốc, nấm men. Đậu phộng nấu xong mà để cả tuần xong mới đem ăn, thường trong đó sẽ tự lên mốc gì độc lắm, nếu có chất bảo quản như Sorbic hay Benzoate thì mới ức chế được. Tui ngồi bần thần cả buổi, ngồi làm việc mà tay run run.

Chiều đó, thầy tui chỉ nói vậy:

Tụi mày tưởng là thiện mà thật ra là ác, thiện không đúng chỗ, thiện sai phương pháp, ai hiểu biết nhỏ nhoi mà còn cực đoan thì hại mình hại người còn nhiều hơn.

Chất bảo quản thực phẩm, người ta phát minh ra là để sử dụng, miễn trong liều lượng hợp lý thì nó sẽ phân huỷ theo hạn sử dụng trên nhãn. Tức hết hạn thì chất bảo quản giảm xuống bằng 0, bắt đầu sinh khí, sinh nấm, sinh vi khuẩn.

Tụi mày đừng có tào lao nữa. Có tặng người ta thì lấy loại bánh có nhãn mác bao bì, nhà máy này nọ. Handmade thì mày tự ăn đi, đừng bán, đừng tặng.

Đã ra thị trường, mua bán cho tặng người khác là phải đầy đủ chất bảo quản chuyên cho thực phẩm, tiệt trùng cẩn thận, có nhãn mác bao bì đăng ký công bố đàng hoàng.

2. Năm 2007, tui sang Hà Lan học nông nghiệp ngắn hạn, qua nhà bạn chơi thấy cây táo trước nhà đầy trái, rụng đầy gốc thì tui hái, đem vô rửa sạch để trên bàn, tui nói cái này ngon nhen, không phân không thuốc, trồng tự nhiên.

Anh Maik bạn tui nói:

Oh, cái này không ăn được, nó không được trồng hay xử lý để ăn, có thể có vi khuẩn, có sâu, có nấm, chim trời mang mầm bệnh. Táo để ăn phải trồng ở farm, có quy trình nhật ký ghi chép việc sử dụng thuốc, dùng phân, cách ly thời gian sao cho hết phân hết thuốc, rồi rửa sục trong nước có pha hóa chất bảo quản, có chiếu xạ để chết giòi bọ, có máy phân loại để loại bỏ trái xấu.

Còn ai giàu thì ăn trái cây hữu cơ, organic, phải dùng tay bọc màng từng trái từ lúc nhỏ, hoặc trong nhà kính kín mít, khi hái xong cũng phải rửa sạch sẽ, soi rọi từng trái, quy trình nghiêm ngặt, nhân công rất đông, giá đắt gấp chục lần. Còn lại, mày thấy đó, cam táo lê đầy vườn, ra nhiều trái decor cho đẹp, rụng cho đẹp, chứ không phải để ăn.

Sau sang Mỹ, Nhật, Israel, Ý,… đi trên đường phố, tui thấy những cây cam cây lựu sai quả nhưng không ai hái. Tui có nhiều bạn là những chủ farm lớn, họ nuôi gà là cho vui, khách tới không có bắt thịt, khi ăn thì vô siêu thị mua trứng mua gà đã tiệt trùng xếp trong khay. Những con vật trong tự nhiên họ cũng không ăn, họ nói trong tự nhiên như thế thì bao nhiêu vi khuẩn vi sinh mình không biết được. Qua đây tui đãi, họ hỏi “from nature or from farming?”, nghe “from farming” thì mới ăn. Tui thấy cũng hợp lý.

* Cây nhà lá vườn, là để cho đẹp, chứ người các nước phát triển họ không ăn. Mình cũng đến lúc nghĩ lại chuyện này. Ăn uống nên lấy nông sản từ farm uy tín, phân phối trong các siêu thị hay cửa hàng lớn, có chuẩn VietGap GlobalGap, nguồn gốc truy xuất được. Nông nghiệp manh mún, nhỏ xíu, hộ gia đình sẽ từ từ không phù hợp nữa, cây lá vườn nhà đâu có tốt như mình nghĩ.

Trồng trọt cạnh nhà thì không nên xịt thuốc sâu, vì nó không tốt cho người ở gần đó. Chỉ có các farm lớn, xa nơi dân cư thì mới áp dụng. Ai chuyên thì cho chuyên và làm lớn luôn.

Mổ thịt tự phát thì máu động vật sẽ ra nguồn nước rất nguy hiểm, nên để cái này cho các lò mổ chuyên nghiệp họ làm, có kiểm soát kỹ chất thải, rửa clorin xong đóng hộp bảo quản lạnh an toàn. Nuôi con này con kia để giết ăn vào đám giỗ hay lễ Tết, cũng đã đến lúc phải nghĩ lại.

Tiêu thụ nông sản thương mại sẽ giúp các farm mở rộng quy mô lên hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Nhiều người sẽ rút lui khỏi nông nghiệp để dồn đất, dồn sức cho người khác làm nông nghiệp lớn như các nước.

Bớt ăn những thứ trong tự nhiên như thú rừng, cá sông, cá biển, tôm biển,… muốn ăn con gì thì ấp nhân tạo rồi nuôi để làm thực phẩm. Sẽ an toàn hơn cho mình.

** Với lại, sống phải cân bằng các quan điểm, đừng có thái cực, cực đoan. Như ở VN lúc này, cái cũ cái mới đan xen. Nhưng xã hội mình sẽ giàu có, phồn vinh, văn minh, VN sẽ thành 1 nước công nghiệp phát triển OECD, lúc đó, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận quan niệm mới.

TnBT

Ngộ độc thực phẩm do botulinum và những vấn đề cần quan tâm

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm. Những vụ ngộ độc botulinum xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về loại ngộ độc này ở Việt Nam. Đầu tiên là vụ pate Minh Chay (sản xuất tại Hà Nội) năm 2020 khiến hàng chục người bị ngộ độc, trong đó có 17 bệnh nhân nặng và 1 người tử vong. Tiếp đến là ngộ độc cá chép muối ủ chua tại Quảng Nam đầu năm 2023 khiến 10 người ngộ độc, 3 bệnh nhân nặng và 1 người tử vong. Gần đây nhất, tháng 5/2023 dư luận lại xôn xao về vụ ngộ độc tại TP Thủ Đức, nghi vấn do giò lụa và mắm, với 5 ca trong đó 1 ca tử vong.

Botulium và ngộ độc do botulium

Tuy những ca ngộ độc botulinum do thực phẩm ở Việt Nam gần đây mới được phát hiện và công bố, nhưng trên thế giới loại độc này đã được biết đến từ rất lâu. Một trong những vụ bùng phát sớm nhất được ghi nhận vào năm 1793 tại làng Wildbad (Đức), làm 13 người mắc bệnh và 6 người chết do ăn món dồi bò (một đặc sản địa phương). Giai đoạn 1958-1983, 986 đợt bùng phát ngộ độc thịt đã xảy ra ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến 4.377 người và khiến 548 người tử vong. Loại thực phẩm có liên quan đến 74% các đợt ngộ độc được xác định là đậu phụ bảo quản có mùi nồng, được làm tại nhà. Năm 2006 ở miền bắc Thái Lan, 152 trong số 170 người tham dự lễ hội Phật giáo ở địa phương đã xuất hiện các triệu chứng ngộ độc (khó nuốt, loạn vận ngôn, sụp mi, khó chịu ở bụng, cơ bắp). Tất cả những người này đã ăn măng chua được chế biến theo cách truyền thống, các triệu chứng bộc phát và tiến triển trong 24-48 giờ sau khi ăn.

Botulinum là nhóm gồm 7 loại protein chính (ký hiệu A-F) gây độc thần kinh, làm liệt cơ, theo cơ chế kìm hãm sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Botulinum có bản chất là chuỗi polypeptide với phân tử lượng 150 nghìn dalton (hình 1). Chúng thuộc loại hợp chất thiên nhiên độc nhất mà con người biết đến, các hóa chất tổng hợp khó mà so sánh được. Liều độc chết người của botulinum type A là 1 µg/1 kg qua đường tiêu hóa, đặc biệt độc hơn cả trăm lần nếu theo đường hô hấp hoặc qua vết thương hở. Mặc dù vậy, chất này cũng được sử dụng trong y học để chữa trị một số bệnh về rối loạn hoạt động cơ và trong mỹ phẩm (như botox (onabotulinumtoxinA) làm căng da, xóa nếp nhăn, trẻ hóa da mặt), tuy nhiên một số chế phẩm chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Hình 1. Cấu trúc bốn chiều của protein độc tố BotA
Hình 2. Vi khuẩn Clostridium botulinum phân bố khắp nơi trong đất.

Botulinum được sản sinh bởi vi khuẩn Clostridium botulinum. Đây là một vi khuẩn gram dương có hình que, kỵ khí, di động (hình 2). Trong điều kiện khắc nghiệt, vi khuẩn C. botulinum có thể biến thành dạng nha bào vô cùng chắc chắn với khả năng tồn tại cao. Do vậy, C. botulinum phân bố rộng rãi trong tự nhiên, được tìm thấy trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày… Vi khuẩn C. botulinum có đặc điểm kỵ khí, do vậy không thể phát triển ở những môi trường thông gió tốt, đủ oxy. Đồng thời, vi khuẩn cũng không phát triển được ở môi trường chua (pH<4.6), mặn (nồng độ muối ăn >5%). Do quy trình sản xuất không đảm bảo, thực phẩm đóng hộp dễ lẫn một vài bào tử C. botulinum, trong môi trường được đóng kín không có oxy, nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Loại ngộ độc này hay gặp ở thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản… nếu được sản xuất và bảo quản không đúng cách cũng có thể gây ngộ độc botulinum. Tình trạng này thường xảy ra tại các gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Ngoài các nhiễm độc thực phẩm như trên, trẻ dưới một tuổi cũng có thể bị ngộ độc độc tố botulinum nếu sử dụng mật ong, sữa bột chứa C. botulinum. Bên cạnh đó, độc tố botulinum cũng có thể nhiễm qua các vết thương, hay gặp ở những người tiêm chích ma túy.

Triệu chứng

Triệu chứng ngộ độc botulinum là nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mi mắt, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng và yếu cơ. Trẻ em bị ngộ độc botulinum biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ yếu dần, liệt tay, chân và toàn thân. Triệu chứng thường khởi phát từ 6-36 giờ sau khi ăn/uống thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc có thể muộn hơn là sau 10 ngày. Những trường hợp ngộ độc botulinum nặng cần điều trị hỗ trợ, đặc biệt là thở máy, với thời gian hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Cùng với điều trị hỗ trợ, bệnh nhân nặng được giải độc bằng các thuốc đặc trị, tuy nhiên giá của chúng rất cao, dao động từ 6.000-8.000 USD/lọ. Việt Nam từng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ 2 đợt với 12 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Đến nay số thuốc này đã dùng hết sau hai vụ ngộ độc.

Phòng ngừa

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, cần kiểm soát tốt toàn bộ các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, bảo quản và sử dụng. Đầu tiên, các nguyên liệu, bao bì cần được đảm bảo vệ sinh, tránh các nguồn ô nhiễm vi khuẩn cao, đồng thời khử trùng bằng các phương pháp thường quy để hạn chế tối đa nguồn vi khuẩn C. botulinum. Các bào tử botulium có thể tồn tại thời gian dài ở 100oC, do đó một số cơ sở sản xuất hiện đại đã nâng nhiệt độ chế biến nguyên liệu lên cao hơn bằng cách đun sôi ở áp suất cao.

Hơn 100 năm trước, ngành công nghiệp thực phẩm đóng hộp thế giới bùng nổ với doanh thu hàng tỷ USD. Khi đó, nhà khoa học Mỹ gốc Thụy Sỹ Karl Friedrich Meyer đã có đóng góp lớn vào việc nghiên cứu xác định được nguyên nhân và cách hạn chế sự phát triển vi khuẩn cũng như bất hoạt độc tố. Ông được tôn vinh như là Pasteur của thế kỷ 20 với công cứu vãn ngành công nghiệp đồ hộp California ngày đó. Tương tự như nhiều loại vi khuẩn, C. botulinum cũng bị kìm hãm phát triển bởi nhiệt độ thấp và chất bảo quản như sodium nitrit (cùng với muối ăn). Do đó thực phẩm giữ lâu cần phải có chất bảo quản và nên giữ thực phẩm ở nhiệt độ thấp kể cả trong chai lọ kín hay đồ hộp.

Cần lưu ý là, gần đây có những quan niệm sai lầm khi cho rằng các chất bảo quản chỉ có hại, do đó tạo nên trào lưu tôn sùng thái quá những thực phẩm “không chứa chất bảo quản”. Thực tế, rất khó có thực phẩm công nghiệp an toàn mà không có chất bảo quản, không đông lạnh, ngoại trừ thực phẩm hoàn toàn tươi, sử dụng ngay sau khi thu hoạch/giết mổ, mà điều này lại khó thực hiện trong nhịp sống xã hội hiện đại. Chúng ta cần nhớ rằng, chất bảo quản nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng và chủng loại cho phép (theo danh mục phụ gia quy định), là an toàn với sức khỏe. Thực hành sản xuất tốt (GMP) là đảm bảo về an toàn thực phẩm nói chung, an toàn ngộ độc botulinum nói riêng.

Cuối cùng, như chúng ta đã biết, botulinum là protein, dễ biến tính ở 85oC trong 5 phút, do đó, chỉ cần đun sôi đồ hộp trong vòng 10 phút là có thể yên tâm rằng không còn độc tố này nữa. Tất nhiên một số món ăn nấu lên cũng phiền phức và làm mất hương vị ưa thích. Người tiêu dùng cần cân nhắc lợi hại, an toàn, cũng như kết hợp lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc sản xuất tin cậy, bảo quản hợp lý.

Ngộ độc botulinum là loại ngộ độc mà chúng ta có thể phòng tránh được thông qua việc trang bị các kiến thức, kỹ năng nhận biết, kết hợp với sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm. Theo khuyến cáo của các cơ quan y tế, nếu người dân gặp phải các triệu chứng như đã nêu trong bài, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Vũ Đình Hoàng
Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội

http://vjst.vn/vn/tin-tuc/7846/ngo-doc-thuc-pham-do-botulinum-va-nhung-van-de-can-quan-tam.aspx

Bạn đọc comment:

Đinh Bích Hay quá ạ. Đọc cho mở mang đầu óc. Ở mình lúc nào cũng chuộng cây nhà lá vườn hơn ạ

Cỏ May Suy nghĩ này khác lạ với suy nghĩ của Công lắm. Trước giờ Công luôn chọn cái gì thuộc về cây nhà lá vườn: rau nhà trồng, rau mọc dại… Rồi Công thích ăn gà vườn nhà Công nuôi, hạn chế mua ngoài chợ….

Huỳnh Ngân Lại được nâng cao nhận thức về lương thực, thực phẩm. Và biết thêm kiến thức về việc từ thiện nữa. Cám ơn tác giả nhiều lắm

Minh Toàn Cũng thắc mắc ở nước ngoài họ trồng cây nhưng để rụng đầy gốc chứ không có ăn, giờ thì đã hiểu

Truong Yen (Én Hector) Đó là lý do vì sao nhiều bạn qua Nhật rồi thấy hồng, quýt, mận… họ trồng sai quả lắm nhưng để rụng, chim ăn chứ không hái. Khi người nước ngoài xin thì vẫn cho nhưng hôm sau đã thấy chặt cây, đốn trụi lủi.
Vì họ sợ chịu trách nhiệm vậy đó ạ.

Bùi Lan Nguyễn Thị Hạnh như nước nhật mà e kể là cây trồng để trang trí trái rụng đầy đất không ai ăn nạ huhu

Nguyễn Bích Ngọc Nhưng mà thầy ơi cái vụ trái cây trong vườn hái xuống ăn liền là do cái cảm quan của bạn đó thôi, chứ em là em khoái mà em đảm bảo cũng có nhiều người khoái với điều kiện cây này người ăn dc, ko phải trái độc.
Nước ngoài họ cũng bị một cái là công nghệ truyền thông về các tiêu chuẩn. Nhưng giờ phương Tây có nhiều trường phái sông thuận tự nhiên lắm rồi nên họ hòa nhập thiên nhiên, ko có tuân thủ cái tiêu chuẩn như anh bạn này, dĩ nhiên vẫn rất nhiều người như anh này . Mẹ thiên nhiên luôn cho chúng ta những điều tốt đẹp, thuận tự nhiên là nương nhờ thiên nhiên mà con người giờ phát minh ra nhiều cái quá nên phá vỡ tự nhiên .

Tâm Én Ở VN thì cây nhà lá vườn lại được ưu tiên số 1. Tự phong organic luôn.

Đức Huy Bài viết cực hay . . đọc rồi là nâng cao được nhận thức thế nào là văn minh công nghiệp

Thanh Huyen Le Nhờ ad giới thiệu thêm một số kênh các bạn đang làm nông thiên hướng theo mô hình oganic ở việt nam mình với ạ

MÓN NỢ ÂN TÌNH

Bạn trẻ này 1 mình lên Tây Bắc, mua đất farm trên núi cao quanh năm phủ sương (với giá còn rẻ) để trồng dược liệu (vì bạn là 1 dược sĩ), sau đó chế biến. Dược liệu trên núi cao thường có dược tính tốt hơn dưới đồng bằng, người xưa hay “lên núi hái thuốc” là vì vậy.

Các bạn miền Bắc có thể gia nhập team anh Hiếu để cùng nhau phát triển thuốc Nam, trồng tại Việt Nam, xuất khẩu toàn cầu.

1 người rất giỏi, triển khai quyết liệt, có thành tựu.

MÓN NỢ ÂN TÌNH

Mình sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng, cây đa giếng nước sân đình, những hình ảnh điển hình mang vào thơ ca của miền quê Bắc Bộ:

“Cánh cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng.”

Lớn dần lên, vô tình bắt gặp và mến thương những hình ảnh mang nét đẹp hùng vĩ của núi đồi trùng điệp, của những áng hùng ca Việt Bắc huy hoàng:

“…Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang…”

Cảnh vật thiên nhiên và con người Tây Bắc bình dị mà gần gũi thiết tha.

Tuy nhiên, cuộc sống của bà con còn vất vả quá. Có sống ở nơi đây, có làm việc và trải nghiệm mới thấu hiểu hết được những khó khăn mà bà con gặp phải.

Mình đại diện cho MediFarm tham dự chương trình Vườn ươm khởi nghiệp do tổ chức phi chính phủ Pháp(AEA) thực hiện dưới sự tài trợ của ngân hàng HSBC với mong muốn đồng hành và giúp đỡ bà con vùng cao phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.

Rất vui khi được ban tổ chức đồng hành cùng MediFarm trong giai đoạn 2020-2023, đó quả thực là niềm vinh dự đối với mình nói riêng và bà con chỗ mình nói chung.

Góp một chút sức lực của bản thân cho dù nhỏ bé, với mong muốn rằng bức tranh “Tứ bình” kia của Việt Bắc không những chỉ đẹp từ ánh nhìn bên ngoài mà còn vang vọng tiếng cười nơi thôn xa hùng vĩ, những bếp lửa hồng, những mái nhà no đủ. Đó là món nợ ân tình lớn nhất mình khắc cốt ghi tâm và ngày đêm gắng thực hiện.

Để mỗi khi đi xa, lòng người lại vang vẳng câu thơ thân thuộc:

“Mình về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người…”

Nguyễn Ngọc Hiếu  – Dược liệu xanh MediFarm

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *