CÀO BẰNG hay CÔNG BẰNG

CÀO BẰNG hay CÔNG BẰNG

Mình có lần đến Monaco, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao bậc nhất thế giới, với 1/3 dân số đã là triệu phú đô la. Choáng ngợp với những dinh thự sang trọng, bến du thuyền tấp nập người và trên phố, xì gà Cuba, rượu mạnh, những sòng bạc đầy ắp người thượng lưu và siêu giàu khắp nơi đổ đến xài tiền, và cũng choáng váng với những người Monaco kiếm ăn ngày qua bữa. Thậm chí vẫn có người khoẻ mạnh mà không muốn đi làm, thích xếp hàng nhận phúc lợi xã hội (tiền tài trợ của nhà nước) hoặc nhận đồ ăn, đồ đạc cũ, tiền lẻ….ở một số tổ chức từ thiện.

Khi hỏi một giáo sư ở ĐH quốc tế Monaco, ông ấy nói, đó là công bằng. Công bằng là vậy, người có tài năng, người chăm chỉ, người may mắn, người có đạo đức, người tích cực…..thì có cuộc sống khác biệt, thu nhập khác biệt với người kém tài, người lười biếng, người ít gặp may, người vô lại, người tiêu cực.

Một xã hội có tỷ phú và cũng có người trắng tay, thì mới gọi là công bằng. Người giàu sẽ tái phân phối thu nhập và cho đi bằng lòng bác ái, sự nhân văn một cách tự nguyện. Vào trường học, đứa học giỏi điểm cao, đứa học dở điểm thấp, đã là sự công bằng. Đứa học giỏi hoặc có tư chất, hoặc chăm chỉ….mà có kết quả tốt, và ngược lại.

Ông giáo sư còn nói thêm, cái quan trọng là tạo môi trường, giáo viên cũng giảng bài nhiêu đó trước mặt các bạn học sinh, đứa nào chăm chú nghe và ghi chú lại, về ôn lại để nhớ thì hiểu, thì áp dụng vô cá nhân, giỏi giang dần. Học sinh nào bây giờ cũng có máy tính, cũng có điện thoại và kết nối mạng, như nhau cả, đấy là sự công bằng. Nhưng dùng internet đọc kiến thức, học ngoại ngữ hay chơi game, thì do người đó lựa chọn. Cách họ làm 1 việc là cách họ làm mọi việc. Cách họ sử dụng thời gian 1 ngày là cách họ sử dụng thời gian của cả cuộc đời.

Mày biết về tỷ lệ Pareto không, tức 80/20 ấy, vị giáo sư nói thêm. Ở bất cứ công ty nào, 20% nhân viên giỏi nhất và chăm chỉ nhất sẽ mang về 80% doanh thu lợi nhuận. Và dĩ nhiên, 20% này sẽ có thu nhập cao hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn 80% người còn lại. Mình chưa được như người ta thì là do mình, chứ không phải lý do nào khác, muốn thì quyết tâm phấn đấu nỗ lực đổi thay, còn không muốn thì thôi.

Việc những hiệp sĩ phong kiến cướp của người làm ăn giàu chia cho người nghèo là chuyện tào lao. Người làm ăn giàu có đã phải động não hoặc tài năng hoặc chăm chỉ thì mới giàu, còn người nghèo thì sai sai sao đó mới nghèo. Có người giàu sang thì người nghèo mới nhìn thấy cái mốc mà phấn đấu, vươn lên. Có học sinh giỏi – có thành tích – thành tựu, thì học sinh dở mới từ bỏ sự lười nhác mà chăm chỉ học hành. Nên ca ngợi học sinh giỏi, người làm ăn giàu có….để xã hội học tập, noi theo.

Đó là sự CÔNG BẰNG, phải hiểu rõ. CÔNG BẰNG chứ không phải CÀO BẰNG.

Xem thêm về tỷ lệ Pareto: Con đường xưa em đi…

Sách hay – Antifragile – Khả Năng Cải Thiện Nghịch Cảnh

Tony vừa đi New York về, ngồi uống cà phê trong toà soạn tờ New York Times, thấy xung quanh mỗi người một cuốn Antifragile. Rồi lang thang đến phố Wall, ngồi quán Pizzard trước nhà thờ Trinity, cũng thấy các tinh hoa tài chính thế giới trong tay cuốn này, vừa ăn, vừa uống, vừa đọc. Mới tò mò về coi thử, mới thấy một sự thật khủng khiếp trong cuốn sách này.

Nassim Nicholas, tác giả cuốn sách Antifragile, cũng được giới tài chính, CEO các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức liên hợp quốc….xem là tiên tri duy nhất của loài người hiện nay. Là một người Li-băng, sự bí hiểm của vùng đất trung đông khiến ông có một giác quan và tuệ nhãn đặc biệt.

Trong cuốn sách Thiên Nga Đen cũng của ông xuất bản, ông dự báo được khủng hoảng tài chính năm 2008 với các ngân hàng Mỹ bị sụp đổ như Lehman Brothers chẳng hạn, vì ông ấy sự âm ỉ bên trong nó là các con sóng ngầm tàn phá. Là một giáo sư toán và triết học, ông tự nhận là không biết gì về tài chính đến khi dự báo của ông thành hiện thực và ông trở nên vô cùng giàu có vì biết khai thác mua bán cổ phiểu từ chính dự báo của mình. Lúc xuất bản của Thiên Nga Đen, giới tài chính phố Wall vẫn khinh miệt ông, bảo là một gã gàn, dở hơi, nói xui. Nhưng khi sự thật diễn ra, người ta mới chiêm nghiệm ra được.

Trong cuốn Thiên Nga Đen, đại ý là chúng ta thường sống rập khuôn và tự giới hạn theo sự hiểu biết của mình, dựa trên những gì đã từng xảy ra. Chúng ta thường nghĩ là thiên nga thì có màu trắng đến khi một ngày nào đó, trong vườn bạn xuất hiện một con thiên nga màu đen. Chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Bức tường cao nhất ở bờ biển Nhật Bản được thiết kế dựa trên trận động đất và sóng thần cao nhất trong lịch sử mấy ngàn năm do cơ quan địa khí tượng tổng hợp được, nhưng không có nghĩa là sẽ có một trận động đất và sóng thần lớn hơn, có thể giật sập bức tường này và tàn phá các thành phố Nhật Bản. Chuyện thực tế đã xảy ra sau đó ít năm làm choáng váng người Nhật và nhân loại. Trên con phố tài chính Tokyo, tên Nassim Nicholas lại vang lên và trong các hiệu sách, cuốn Thiên Nga Đen lại leo lên kệ sách bán chạy nhất.

Gần đây, Nassim viết cuốn mới, Anti-fragile, fragile là dễ vỡ, anti là chống lại. Viết về các dự báo khác trong cuộc sống, trừ tài chính.

Bản tiếng Việt khá hay. Dịch giả Kim Chi hiện là dịch giả số 1 Việt Nam hiện nay vì cô từng tham gia giảng dạy chương trình đào tạo kinh tế Fulbright ở Việt Nam. Dù bản thân cô là một kỹ sư hoá học và là bạn đồng môn của Tony ở lớp thể dục.

Sách có giá cao, gần bằng giá quốc tế. Nên mình mua là mua kiến thức quốc tế. Sách chỉ nên dành cho người có văn hoá đọc, vì khá khó và nghiễn ngẫm từng câu, Tony mất 1 tháng đọc liên tục mới xong 1/2 cuốn.

Đọc sách xong, nên cho 1-2 người bạn thân tín, răng môi của mình mượn đọc. Chứ đọc xong mà ích kỷ cất sách không cho ai mượn thì coi như giết chết nó, vì mình ít khi nào đọc lại, hãy để cho nó có giá trị sử dụng với nhiều người hơn.

(Bài 2018)

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *