Lời khuyên của Jack Ma
1. Từ một giáo viên tiếng Anh ở Hàng Châu, chỉ với 20 USD/tháng, ông Mã nổi tiếng với thế giới với tên Jack Ma, vào danh sách người giàu nhất châu Á với tài sản gần 30 tỷ USD
Đây là một câu nói nổi tiếng của ông, đã giúp nhiều bạn trẻ châu Á thoát ra sự rụt rè thụ động và bơi ra biển lớn, tầm vóc quốc tế hiên ngang.
Once in your life, try something. Work hard at something. Try to change, nothing bad can happen.
Đại ý là “Hãy một lần trong đời, thử một cái gì đó. Hãy làm hết sức mình trong một việc gì đó. Thử thay đổi cái hàng ngày của mình xem sao. Chẳng có gì tồi tệ cả đâu. Hãy thử xem”.
Câu nói không kém phần nổi tiếng khác của ổng về lời khuyên trong việc bán hàng là:
“Never sell goods to relative”
Nghĩa là : Đừng bao giờ bán hàng cho người thân, họ hàng
Nhiều bạn nghe câu này của Jack Ma, khó chịu ra mặt, nói: Người quen đang ủng hộ tôi là chính, chiếm phần lớn doanh số của tôi, không phải người giàu nói gì cũng đúng.
Thực ra là do mình không hiểu, ông ấy nói không tập trung bán hàng cho người thân, vì đầu óc phải lớn, phải mở thị trường thật, mở cho triệu triệu người, tập trung vô triệu triệu khách hàng. Còn người thân có mua thì cũng chỉ là 1 khách hàng.
Trường hợp mua bán cò con vài ba trăm người, chủ yếu cho người quen thì Jack Ma sai, vì ổng nói là nói cho doanh nhân, không đúng với mình. Toán hình không gian không áp dụng được ở cấp 1.
Tư duy xưa nay, khi làm ăn, khách hàng mình nghĩ đầu tiên là người quen, vì đó là tất cả những gì thuộc về quan hệ mà mình có. Ví dụ nói với mấy đứa bạn học “tao mới mở quán bún bò, mày ghé ủng hộ nha”. Vì kêu gọi “ủng hộ” nên nó ghé. Nó ăn xong, mình lấy tiền cũng kỳ, mà không lấy tiền thì cũng kỳ nốt, tâm lý tình cảm người phương Đông mà, đụng tới tiền là nghĩ khác ngay.
Người ăn xong không đưa tiền cũng ngại, sẽ tìm cách dúi, ép chủ quán nhận, nhưng khi chủ lấy thì nó lại không vui, ra dắt xe đi về, tăm vẫn ngậm trên miệng và nói “mẹ cái thằng, bạn bè thân vậy, kêu tới ủng hộ mà cũng lấy tiền”.
Nếu chủ quán không lấy tiền, nó nói “trời ơi ngại quá, bữa sau tao không dám qua nữa”. Đứa não phức tạp hơn nó còn nghĩ “nó làm chủ rồi, khinh không lấy tiền tao”, “ghét cái thái độ”.
Đi đám cưới, nhận được thiệp là nhiều người xem như nợ phải trả, đi đám ăn mặc đẹp vậy thôi chứ lòng không vui vì bị mất tiền. Tiền với nhiều người, rất quý, rất xem trọng. Mình còn trẻ, bạn bè cũng còn trẻ, toàn tư duy trẻ con, mệt lắm.
2. TỐT NHẤT là KHÔNG KỂ, KHÔNG TÂM SỰ chuyện kinh doanh của mình cho người thân, kể cả cha mẹ vợ chồng con cái. Đó không phải là cái để tâm sự chia sẻ, đặc biệt với người thân chưa làm ăn lớn bao giờ. Họ sợ mất tiền, sẽ khuyên tào lao. Họ quan tâm thì cám ơn, nói có gì kể sau, làm ra tiền tặng biếu cho họ là được. Việc làm ăn như việc quân, làm tướng mà kể với vợ thì lộ hết bí mật quân cơ. Vợ con cho làm ngành nghề khác, tốt nhất không làm chung, biz này tèo thì có biz khác của vợ con đỡ. Làm là làm với các cổ đông bên ngoài, những người có máu làm ăn giống mình.
Còn làng giếng háng xòm thì tuyệt đối không tiết lộ. Họ tò mò hỏi người này người kia thì mình kêu họ qua, nói ngồi xuống, giờ muốn biết thông tin gì, mình cung cấp văn bản có đóng dấu đỏ cho chính xác. Họ nhiều chuyện là do thiếu việc làm, không bận rộn, nhàn cư vi bất thiện. Mình tuyển họ vô làm công nhân cho mình đi, giao việc từ sáng tới khuya là hết thời gian.
Một bạn ở Bắc Ninh từng khóc vì khởi nghiệp mà bị hàng xóm hỏi quá hỏi, gần đây nói “hết bị hỏi rồi, Samsung qua mở nhà máy, nhận mấy người trong xóm vô làm, tăng ca này nọ tối mịt mới về, mệt lăn ra ngủ, không có thời gian nhiều chuyện nữa”.
Một số bạn tuyển nhân viên kinh doanh, thấy có quan hệ gia tộc nhiều, mừng quá mời vào, tuy nhiên nó bán xong cho ông chú bên Việt Teo, ông cậu bên Việt Tóp…thì hết mối, bèn nghỉ việc.
3. Nhớ thời bao cấp, nhiều cô giáo vừa đi dạy vừa bán cà rem. Học trò làm toán sai, cô cho 1 điểm, nó khóc, sao em mua cà rem của cô mà cô cho em có 1 điểm? Bữa sau em sẽ mua cà rem của bà Tư ngoài cổng trường cho cô biết mặt, I will let you know my face. Đấy, nó khổ thế thấy, nó là học trò, tự dưng biến thành khách hàng. Việc mua vì tình cảm hay cả nể sẽ không lâu dài, chưa kể là quan hệ công việc (dạy-học) sẽ không tốt do có business cà rem xen vào. Căn tin hay do vợ ông hiệu trưởng thầu, người ta tới ăn uống vì sợ ông hiệu trưởng, ổng rớt chức thì họ cũng không ghé ăn nữa. Quán nhậu của vợ chủ tịch xã chỉ mở cửa khi ông nhà còn đương chức, chứ ổng nghỉ hưu thì bà vợ chỉ ngồi đập ruồi cho qua ngày, không ai đến nhậu nữa đâu. Người xưa khuyên dạy, nếu chồng có chức có quyền, vợ con chỉ nên ở nhà tỉa hoa tỉa củ, đừng có tham lam mà kinh doanh trên quan hệ của chồng của cha. Trước mắt thì thuận lợi đó, nhưng ẩn chứa sự nguy hại khôn lường về sau.
Người ta không có nhu cầu thì TẠO NHU CẦU CHO NGƯỜI TA, biến họ thành khách ruột, mua vì NHU CẦU chứ không vì QUAN HỆ, GIÚP ĐỠ, ỦNG HỘ. Đã chọn làm kinh tế, thì phải có năng lực tạo nhu cầu cho người khác, không cạnh tranh ai hết, tự tạo khách mới của mình. Mình làm là làm cho thị trường 100 triệu dân VN và 8 tỷ dân thế giới.
Ý Jack Ma là, chớ có trông chờ hay lợi dụng quan hệ khi làm ăn. Kiếm tiền, chủ yếu phải là người ngoài xã hội. Tiền của họ đầy đó, nghĩ cách mà lấy, họ thuận lòng vui vẻ đưa tiền cho mình để lấy lại 1 hàng hoá dịch vụ gì đó từ mình, thì mới được.
2014
TnBS